ĐỜI CHÌM NỔI CỦA 3 “MỸ NHÂN” SÀI GÒN

CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI

CỦA “MỸ NHÂN” SÀI GÒN XƯA

Được xếp vào danh sách “Tứ đại mỹ nhân”, cuộc đời của những “biểu tượng nhan sắc” một thời ở Sài Gòn những năm thập niên 60 – 70 cũng đổi thay theo năm tháng

1/- Thẩm Thúy Hằng : Nổi lên từ vai diễn Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương”, Thẩm Thúy Hằng mang luôn biệt danh này nhờ sự ái mộ của công chúng. Bà cũng được coi là biểu tượng nhan sắc phụ nữ một thời ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.

Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng. Bà sinh năm 1941 tại Hải Phòng, lớn lên tại An Giang, sau đó khởi nghiệp với vai diễn đầu tiên năm 1958 với hãng phim Mỹ Vân. Ngay sau đó, vai diễn đã giúp bà vụt sáng trở thành minh tinh châu Á suốt những thập kỷ 60 – 70.

Với nhan sắc mặn mà cùng lối diễn xuất tài hoa, Thẩm Thúy Hằng liên tiếp nhận được giải thưởng tại các liên hoan phim lớn tại nước ngoài như LHP Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong LHP Á Châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 – 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Mátxcơva và Tasken tại Liên Xô năm 1982…

Thẩm Thúy Hằng không chỉ đóng phim mà còn đóng kịch (Giám đốc đoàn kịch nói Bông Hồng) và cũng khá nổi tiếng trên sân khấu kể cả trước và sau giải phóng. Là một mỹ nhân, lại là người nổi tiếng suốt mấy thập niên, nhưng

Thẩm Thúy Hằng ở tuổi xế chiều có cuộc sống hoàn toàn khép kín. Bà tu tại gia, nghiên cứu Thiền học, làm từ thiện, hầu như ít tiếp xúc bên ngoài. Cuộc đời của một “minh tinh màn bạc”, một phụ nữ “sắc nước hương trời”, sự nghiệp nghệ thuật lẫy lừng đã kết thúc với số phận nghiệt ngã.

Những năm tháng cuối cùng này đối với “Nữ hoàng nhan sắc” quả thật là tột cùng của sự đau khổ. Bà đã trải qua nhiều cuộc giải phẫu lớn nhỏ và sử dụng phương pháp tiêm botox thường xuyên để chống chọi với sự tàn phá của hóa chất trong cơ thể. Nhưng dù cố gắng hết sức, bằng mọi phương pháp kéo dài thời gian nhưng rồi “Người đẹp Bình Dương” lộng lẫy một thời cũng phải chấp nhận sự thật: tất cả những gì đẹp đẽ, lộng lẫy trước đây đã bị đào thải, gương mặt bà biến dạng từng ngày.

Phu quân là tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh,trước 1975 là Thống Đốc ngân hàng say 1975 là tư vấn khối tài chánh cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xưa. Nay ông đã qua đời !

2/- Kiều Chinh : Minh tinh Kiều Chinh là một trong những diễn viên đầu tiên của điện ảnh miền Nam Việt Nam, là diễn viên Việt đầu tiên thành công ở Hollywood. Gắn bó với nghề diễn xuất trong hơn 50 năm qua, bà có một sự nghiệp huy hoàng mà cho tới nay cũng có ít diễn viên người Việt nào có được.

Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Kiều Chinh. Bà sinh ngày 3/9/1937 trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Do mẹ mất sớm nên Kiều Chinh được bố rất mực cưng chiều. Năm 1954, bố con Kiều Chinh bị thất lạc nhau. 17 tuổi, bà một mình vào Nam. Năm 20 tuổi, bà bén duyên điện ảnh với vai ni cô trong bộ phim “Hồi chuông Thiên Mụ”. Trước đó, bà đã được các nhà làm phim Mỹ mời tham gia đóng vai Phượng trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng”. Tuy nhiên, do người thân không đồng ý nên bà buộc lòng phải từ chối.

Sau “Hồi chuông Thiên Mụ”, Kiều Chinh tham gia hàng loạt các bộ phim của các đạo diễn Việt Nam cũng như đạo diễn các nước Châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Singapore. Bà cũng vinh dự trở thành một trong những diễn viên Việt đầu tiên được các nhà làm phim Hoa Kỳ chú ý. Bà tham gia các phim như Operation CIA, A Yank in Vietnam, Devil Within, Destination Vietnam. Đặc biệt, trong phim Devil Within, Kiều Chinh được vượt qua hàng loạt những gương mặt xinh đẹp và nổi tiếng khác để vào vai Công chúa Ấn Độ.

Sau năm 1975, Kiều Chinh cùng gia đình chuyển sang sinh sống tại Canada. Năm 38 tuổi, Kiều Chinh được bảo lãnh qua Mỹ và bà quyết định quay trở lại với điện ảnh dù phải bắt đầu từ con số 0 và Hollywood vốn là mảnh đất cực kỳ khắc nghiệt đối với những diễn viên, đặc biệt là những diễn viên gốc Á.

Tính tới thời điểm hiện tại, bà đã có mặt trong 100 bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ. Trong đó có những bộ phim nổi tiếng như “The Letter” (1986), “Welcome Home (1989), “Vietnam-Texas” (1989), “What Cooking” (2000), “Face” (2001), “Journey from The Fall” (2004). Với vai diễn trong phim “Joy Luck Club”, Kiều Chinh lọt vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.

Hiện, Kiều Chinh đang định cư ở Mỹ nhưng thỉnh thoảng bà vẫn về thăm quê hương. Không chỉ là một phụ nữ hướng về cội nguồn mà bà còn là người đóng góp rất lớn cho một tổ chức từ thiện gồm một số người bạn nước ngoài của bà để xây dựng gần 50 trường học ở Việt Nam.

Gặp gỡ nữ tài tử Kiều Chinh : https://youtu.be/pcdqum6WPCo

Phu quân là Nguyễn Năng Tế, trung tá phụ trách Phòng không kh6ng quân, thời Chủ tịch Ủy  Ban Hành Pháp Trung Ương : Nguyễn Cao Kỳ

3/- Kim Cương : Kim Cương (sinh năm 1937), con gái thứ 3 của NS Bảy Nam, là bầu gánh Đại Phước Cương. Kim Cương được mệnh danh là “kỳ nữ” do tài năng diễn xuất sân khấu, đoạt rất nhiều giải thưởng sân khấu và điện ảnh; tác giả của 70 kịch bản, đạt kỷ lục người viết kịch nói nhiều nhất Việt Nam.

Kim Cương vốn là người bạn thân thiết lâu năm với Thẩm Thúy Hằng. Mặc dù tỏa sáng trên con đường nghệ thuật gần như cùng thời điểm nhưng có thể nói, con đường mà Kim Cương trải qua cũng gặp không ít gian truân. Xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, có mẹ là cố NS Bảy Nam nên Kim Cương cũng chịu sự ảnh hưởng rất nhiều. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã theo gia đình để mưu sinh bằng nghề diễn.

Khác với người bạn thân Thẩm Thúy Hằng, tên tuổi Kim Cương lại gắn liền với sân khấu kịch nói hơn là điện ảnh, mặc dù bà cũng tham gia đóng phim không ít. Rất nhiều vai diễn để đời của bà là những nhân vật đã từng lấy nước mắt của đông đảo khán giả nhiều thế hệ. Trong số đó, có phần lớn các tác phẩm do chính Kim Cương viết kịch bản.

Hơn 10 năm qua, trở thành phó chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, bà dốc hết sức mình đôn đáo chạy lo kinh phí hằng tháng cho trường dạy nghề dành cho người khuyết tật và kinh phí ăn học cho bao nhiêu trẻ mồ côi.

Phu quân là Trần Trọng Thức cựu biên tập viên báo Tuổi Trẻ. Theo tin thì bà đã ly dị chồng.

Lan Hương chuyển tiếp

NGUỒN GỐC CA KHÚC MỘNG DƯỚI HOA

– Phạm Anh Dũng

“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…”

Bài hát nổi tiếng “Mộng Dưới Hoa” được biết, theo các bài nhạc và tập nhạc in trong quá khứ, là nhạc Phạm Đình Chương phổ thơ Đinh Hùng. Sự thật không đúng hoàn toàn như vây. Có vài tên riêng như “Mộng Dưới Hoa”, “Dưới Hoa Thiên Lý”, “Tự Tình Dưới Hoa” và “Xuôi Dòng Mộng Ảo” có liên hệ đến bài nhạc .

1/. Mộng Dưới Hoa : “Mộng Dưới Hoa” là nhạc Phạm Đình Chương phổ vào bài thơ Mộng Dưới Hoa của Đinh Hùng hay không ? Không đúng vậy vì không có bài thơ nào của Đinh Hùng tên là “Mộng Dưới Hoa” cả.

2/. Dưới Hoa Thiên Lý : Trong tuyển tập nhạc “Mộng Dưới Hoa”, 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương, ngay dưới nhạc phẩm “Mộng Dưới Hoa”, tác giả Phạm Đình Chương có viết: “…Viết Mộng Dưới Hoa năm 1957, nguyên bài thơ mang tựa đề “Dưới Hoa Thiên Lý…”.

Thật ra, không thấy bài thơ nào của Đinh Hùng có tên là “Dưới Hoa Thiên Lý”.
Không biết vì sao nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại quên và viết như vậy ?

3/.Tình Tự Dưới Hoa : Có phải “Mộng Dưới Hoa” là bài nhạc phổ vào bài thơ “Tình Tự Dưới Hoa” của Đinh Hùng ? Không đúng hòa toàn

“Tình Tự Dưới Hoa” một bài thơ 7 chữ có trong tập thơ “Đường Vào Tình Sử” của Đinh Hùng và chính từ bài này có bản nhạc “Mộng Dưới Hoa”. Tuy là ý bài hát dựa nhiều vài bài thơ nhưng thật ra chỉ có hai trong sáu đoạn của bài thơ đã phổ thành nhạc. Đó là đoạn thứ nhất của bài thơ:

“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại

Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng”

và đoạn thứ ba của bài thơ:

“Em đến như mây, chẳng đợi kỳ

Hương ngàn gió núi động hàng mi

Tâm tư khép mở đôi tà áo

Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi”

4/. Xuôi Dòng Mộng Ảo : Một đoạn trong bài thơ 6 chữ này của Đinh Hùng được phổ nhạc và cho vào bài “Mộng Dưới Hoa”. “Xuôi Dòng Mộng Ảo” là một bài thơ, cũng ở trong thi tập “Đường Vào Tình Sử ” của Đinh Hùng. “Xuôi Dòng Mộng Ảo” có tám đoạn và chỉ có đoạn thứ năm có trong bài hát “Mộng Dưới Hoa” làm thành điệp khúc của bài hát:

“Nếu bước chân ngà có mỏi

Xin em dựa xát lòng anh

Ta đi vào tận rừng xanh

Vớt cánh rong vàng bên suối”

Nếu xem kỹ bài hát “Mộng Dưới Hoa” ở cuối bài viết này, sẽ thấy đa số lời của bài “Mộng Dưới Hoa”, nghĩa là đoạn kết (đoạn thứ tư) và toàn bộ Lời 2, không có trong bài thơ nào cả của thi sĩ Đinh Hùng.

Tóm lại, “Mộng Dưới Hoa” là bài nhạc có lời với một phần gồm hai đoạn thơ từ bài thơ 7 chữ “Tự Tình Dưới Hoa”, một phần gồm một đoạn thơ từ bài thơ 6 chữ “Xuôi Dòng Mộng Ảo” và phần lớn không có xuất xứ rõ ràng.

Hầu như chắc chắn Đinh Hùng đã viết cái “phần lớn” đó sau khi Phạm Đình Chương đã viết nhạc vào thơ cho ba đoạn đầu của bài hát.

Ở cuối quyển “Mộng Dưới Hoa”, 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương, có trích lời nhạc sĩ Vũ Thành : “Mộng Dưới Hoa” còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó… Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương.”

Hãy xem thử một câu “Tâm tư khép mở đôi tà áo” đổi thành “Áo bay mở khép nghìn tâm sự”, thì sẽ thấy ngay là bài hát đâu có còn “vẫn giữ bằng trắc của từng chữ” nữa. Công bằng mà nói những chữ của thơ dùng vào bài nhạc đại đa số cũng vẫn giữ đúng vần bằng trắc của thơ thật nhưng không thể nói là “…từng chữ…”

Và có thể cố nhạc sĩ Vũ Thành, vì một lý do nào đó, tưởng lầm bài nhạc phẩm Mộng Dưới Hoa chỉ là nhạc phổ vào nguyên thủy của một bài thơ ?  Tuy nhiên, phải công nhận là Phạm Đình Chương viết nhạc rất khéo léo và lời viết của Đinh Hùng dù là thơ hay không thơ cũng rất… thơ.

Với tên tuổi lẫy lừng của thi và nhạc sĩ Đinh Hùng – Phạm Đình Chương, bài nhạc hay mà lại dễ hát đã thành trở thành một trong những bài nhạc có thể nói phổ thông nhất của Tình Ca Việt Nam.

MỘNG DƯỚI HOA

(nhạc Phạm Đình Chương – thơ/lời Đinh Hùng)

Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại

Âu yếm nhìn tôi không nói năng

Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ

Mây ngàn gió núi đọng trên mi

Áo bay mở khép nghìn tâm sự

Hò hẹn lâu rồi em nói đi

Nếu bước chân ngàn có mỏi

Xin em dựa sát lòng anh

Ta đi vào tận rừng xanh

Vớt cánh rong vàng bên suối

Ôi hoa kề vai, hương ngát mái đầu

Đêm nào nghe bước mộng trôi mau

Gió ơi gởi gió lời tâm niệm.

Và nguyện muôn chiều ta có nhau

Lời 2:

Tôi cùng em, mơ những chốn nào

Ước nguyện chung giấc mộng trăng sao

Sánh vai một mái lầu phong nguyệt

Hoa bướm vì em nghiêng cánh chao

Hy vọng thơm như má chớm đào

Anh chờ em tới hẹn chiêm bao

Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng

Hoa lệ ân tình môi khát khao

Bước khẽ cho lòng nói nhỏ

Bao nhiêu mộng ước phù du

Ta say thành mộng nghìn thu

Núi biếc sông dài ghi nhớ

Ôi chưa gặp nhau như đã ước thề

Mây hồng giăng tám ngã sơn khê

Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng

Và mộng em cười như giấc mê

TỰ TÌNH DƯỚI HOA

(Thơ Đinh Hùng)

Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,

Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,

Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng

Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay,

Ôi mộng nào hơn giấc mộng này

Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ,

Nửa như hoài vọng, nửa như say

Em đến như mây, chẳng đợi kỳ

Thương hàng gió núi động hàng mi

Tâm tư khép mở đôi tà áo,

Hò hẹn lâu rồi — Em nói đi

Em muốn đôi ta mộng chốn nào

Ước nguyền đã có gác trăng sao

Chuyện tâm tình: dưới hoa thiên lý,

Còn lối bâng khuâng: ngõ trúc đào

Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ,

Nắng trong hoa, với gió ven hồ

Dành riêng em đấỵ Khi tình tự,

Ta sẽ đi về những cảnh xưa

Rồi buổi u sầu, em với tôi

Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời

Vai kề một mái thơ phong nguyệt,

Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười

XUÔI DÒNG MỘNG ẢO

Chim hồng về khu rừng cũ,

Xuân ấy hai lòng mới yêu .

Cùng hoa, bướm trắng sang nhiều,

Nắng thơm những chiều tình tự .

Xin em ngồi trên nhung cỏ,

Nghe suối ca vui nhịp nhàng.

Anh ru cho hồn em ngủ,

Bằng điệu ca sang dịu dàng.

Chim xanh về khu rừng cũ,

Hè tới, hai lòng còn yêu .

Cỏ thơm mọc đã cao nhiều,

Cành mộng bao nhiêu hoa đỏ!

Nếu bước chân ngà có mỏi,

xin em dựa sát lòng anh.

Ta đi vào tận rừng xanh,

Vớt cánh rong vàng bên suối.

Lá đỏ rơi trong rừng cũ,

Thu về, hai lòng còn yêu.

Đường tình trải một làn rêu,

Ngơ ngẩn hồn chiều tư lự.

Em có lên sườn núi biếc,

Nhặt cánh hoa mơ gài đầu.

Này đôi nai vàng xa nhau,

Có tiếng gọi sầu thảm thiết.

Chim buồn xa khu rừng cũ,

Đồi núi trập trùng cỏ rêu.

Hai lòng nay đã thôi yêu,

Có tiếng suối chiều nức nở.

Em không nghe mùa thu hết ?

Em không xem nắng thu tàn ?

Trời ơi! Giọt lệ này tan,

Là lúc linh hồn anh chết !

– Tiếng hát : Vũ Khanh :   https://youtu.be/j_V0OyLWtqk

– Tuần Ngọc : https://www.youtube.com/watch?v=S5e5mwDYvaU

Sang Huỳnh chuyển tiếp