VĂN HÓA VĂN NGHỆ (16)

CÀ PHÊ VĂN NGHỆ SÀI GÒN

Người Sài Gòn có thể uống cà phê bất cứ lúc nào trong ngày.

– Từ Kế Tường

Uống cà phê buổi sáng sớm theo thói quen ở quán cóc lề đường, bàn chuyện tào lao thế sự với bạn bè hay ngồi một mình ngắm phố phường trong sương sớm để thư giãn, chiêm nghiệm thế thái nhân tình hay hoài niệm những khảnh khắc vui buồn xảy ra trong đời mình.

Uống cà phê buổi trưa kết hợp với bữa ăn trưa để bàn công việc, sơ thảo nội dung một bản hợp đồng làm ăn, thậm chí tìm một góc tịnh tâm, trốn nắng, trú mưa trước khi trở về công ty, cơ quan làm việc buổi chiều.

Nhưng “cà phê văn nghệ” có mục đích hẳn hoi và dứt khoát chỉ vào buổi tối khi thành phố lên đèn. Đó là cơ cơ hội hẹn hò của thanh niên nam nữ yêu nhau tìm một nơi chốn lãng mạn, êm đềm để tâm sự, chia sẻ trong một không gian “văn nghệ” mà âm nhạc là đường dẫn tới sự thăng hoa của đôi tâm hồn. Không chỉ có không gian, mà thời cũng luôn song hành cho những phút giây lãng mạn ấy, đó là cảm giác chỉ riêng hai người giữa một đám đông đồng điệu. Chính vì nhu cầu ấy mà những quán cà phê văn nghệ ra đời.

Trước năm 1975 có một số quán cà phê văn nghệ “đình đám” ở Sài Gòn thu hút thanh niêm nam nữ, văn nghệ sĩ tới ngồi bên ly cà phê, thưởng thức văn nghệ với sân khấu nhỏ rất đơn sơ, chỉ là một bục gỗ cao cho ca sĩ đứng hát và người đệm đàn thùng, một chân cắm micro có dây, dàn âm ly và loa khuyếch đại âm thanh.

Những dụng cụ này đặt trong một ngôi quán bên đường khu trung tâm Q1, Q3…với vài chục cái bàn thấp, ghế ngồi chẳng cần trang trí, bày trí hoa hòe hoa sói gì nhiều, đã là một tụ điểm thu hút dân sành điệu tới một không gian cà phê văn nghệ rất lãng mạn, xôm tụ tạo một sinh hoạt rất riêng của Sài Gòn về đêm bên cạnh những nơi giải trí ồn ào khác như vũ trường, quán bar, nhà hàng ăn nhậu mọc ra như nấm ở Sài Gòn thủa ấy.

Quán cà phê “Thằng Bờm”, nằm ở góc đường Nguyễn Thái Học- Phạm Ngũ Lão Q1 của nhóm sinh viên Luật khoa, được coi là quán cà phê văn nghệ dành cho giới sinh viên học sinh, có lẽ là tiền thân của sân khấu “hát với nhau” sau năm 1975. Bởi ngoài các ca sĩ được tăng cường và hai buổi tối cuối tuần thứ bảy – chủ nhật thì ngày thường người tới uống cà phê cao hứng có thể lên hát, chỉ cần viết một mảnh giấy đăng ký bài hát và họ tên đưa cho chủ quán rồi ngồi chờ tới lượt mình được giới thiệu lên “sân khấu”, không hát thì đọc thơ, tự đêm đàn hay nhờ “nhạc sĩ” của quán đệm đàn. Quán “Thằng Bờm” rất nổi tiếng, tồn tại một thời gian khá dài.

Quán cà phê “Hầm gió” nằm trên đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi bây giờ) cũng thuộc Q1. Quán này của nhóm nhạc trẻ Nam Lộc – Trường Kỳ, bề thế, đẹp hơn quán “Thằng Bờm” rất nhiều. Gọi là “Hầm Gió” vì quán là một cái hầm, không gian khá rộng, chứa được gần 100 người.

Do ở đây văn nghệ mang tính chuyên nghiệp hơn, thường xuyên có các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng tới trình diễn, sân khấu cũng “hoành tráng” nên “Hầm Gió”  dịp cuối tuần rất đông khách.

Những cặp đôi ca sĩ-nhạc sĩ của Sài Gòn thời đó bắt đầu nổi lên cũng từ quán cà phê “Hầm Gió”, lúc đó ca sĩ Thanh Lan còn rất trẻ, vừa đi học trường Tây vừa đi hát, cùng với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thành một cặp đôi rất được giới trẻ hâm mộ, thường xuyên xuất hiện ở “Hầm Gió”. Thanh Lan lên sân khấu với bộ áo dài lụa màu trắng hay màu vàng nhạt, vẫn còn nhí nhảnh và hồn nhiên bên cạnh Trầm Tử Thiêng rất “bụi”.

Quán “Cây Tre” của ca sĩ Khánh Ly nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, bên trong con hẻm nhỏ, kế bên sân vận động Hoa Lư cũng thuộc Q1, một thời cũng rất nổi tiếng. Ngoài ca sĩ Khánh Ly, Ngọc Minh (em gái của Khánh Ly), còn xuất hiện nhiều cặp đôi đình đám bấy giờ như Lê Uyên – Phương, Từ Dung – Từ Công Phụng.

Nhưng đặc biệt, một quán cà phê ghi đậm dấu ấn một thời cà phê văn nghệ Sài Gòn có lẽ là “Hội quán Văn”, gọi tắt là cà phê Văn, của nhóm sinh viên đại học Văn Khoa, nằm phía sau trường, trên khoảng đất trống khá rộng ở góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ) – Lê Thánh Tôn Q1. Quán thì rất sơ sài, chỉ là một gian nhà trống, mái tôn, vách cót ép,  bàn thấp, ghế thấp. Nhưng mỗi đêm có hàng trăm thanh niên sinh viên học sinh, văn nghệ sĩ tới uống cà phê, thưởng thức văn nghệ “ngoài trời”.

Chính ở quán cà phê Văn, ca sĩ Khánh Ly từ Đà Lạt xuống kết hợp với Trịnh Công Sơn thành một “cặp đôi hoàn hảo”, đình đảm, tạo thành những đêm nhạc tình ca, phản chiến khuấy động Sài Gòn và từ đó Khánh Ly nổi danh với danh hiệu “ca sĩ chân đất” bởi khi hát với Trịnh Công sơn trên bục gỗ sân khấu ngoài trời quán Văn, có lúc cao hứng Khánh Ly đã lột cả dép đi chân trần trên cỏ. Và ca khúc tạo dấu ấn lúc bấy giờ của Khánh Ly là “Ca khúc da vàng”, “Diễm xưa”, “Hạ trắng”…

Sau năm 1975, một thời gian khá dài, người Sài Gòn cũng trở lại với thói quen uống cà phê cóc mà mở đầu rất sớm là khu vực cà phê cóc hồ Con Rùa Q1. Khu vực này một thời sau năm 1975 có thể nói là khu vực cà phê cóc văn nghệ Sài Gòn vì một số văn nghệ sĩ ra đây mở quán cà phê vỉa hè, sáng mở, chiều tối dọn, chỉ một xe đẩy nhỏ dựng ly tách, bình thủy, vài cái bàn, chục cái ghế, cây đàn thùng…là thành một quán cà phê. Khách tới uống thoải mái, có khi ngồi đồng từ sáng trới trưa, từ trưa tới chiều, bày bàn nhậu tới khuya, đàn hát, ngâm thơ đập bồn, đập bát tới mệt xỉu mới tan hàng.

Sau đó, Sài Gòn nở rộ phong trào mở quán cà phê văn nghệ có sân khấu ca nhạc hằng đêm và tăng cường ca sĩ, tấu hài mỗi tối cuối tuần. Quán cà phê Champa nằm trên đường Nguyễn Thông Q3 là một điển hình, quán rất nổi tiếng và một loạt ca sĩ trẻ, nhóm tấu hài thành danh từ đây. Sau đó tới một loạt các phòng trà như Đồng Dao, Tiếng Tơ Đồng, Thế Kỷ và phòng trà trên lầu cà phê Broda, rồi Phiêu Linh  ở góc đường Lê Thánh Tôn – Nguyễn Huệ Q1 hoạt động hàng đêm rất nhộn nhịp.

Nhưng dấu ấn quán “cà phê văn nghệ Sài Gòn” mang hơi hướng của những “Văn, Thằng Bờm, hầm Gió” sau năm 1975 có lẽ cà phê Văn Nghệ nằm trên đường Lam Sơn quận Bình Thạnh. Ở đây cũng có những ca sĩ, nóm nhạc nổi lên như : Vinh Hiển, nhóm tam ca Áo Trắng, Ba thế hệ… Và có lẽ còn cái chất cà phê văn nghệ Sài Gòn nhất, dù đã được “nâng cấp” bằng tên gọi phòng trà là cà phê Ân Nam nằm trên đường Trương Định Q1 của ca sĩ Lan Ngọc  hiện vẫn còn hoạt động. Nó cũng là một cái hầm, giống như “Hầm Gió” của Nam Lộc – Trường Kỳ ngày xưa. Chương trình ca nhạc ở đây khá chọn lọc, thu hút giới trung niên muốn tìm lại dư âm của một thời “cà phê văn nghệ Sài Gòn” đã mất. (theo Từ Kế Tường)

Lan Hương chuyển tiếp

NHỚ ĐÔI NGHỄ SĨ TÀI DANH

VIỆT HÙNG – NGỌC NUÔI

– Soạn giả Nguyễn Phương

Trong những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước, đôi nghệ sĩ uyên ương Việt Hùng – Ngọc Nuôi lừng danh trong hàng ngũ những ngôi sao sân khấu cải lương. Theo dõi cuộc đời nghệ thuật của Việt Hùng – Ngọc Nuôi, chúng ta có thể phát hiện được những bước thăng trầm của sân khấu cải lương trong 3 thập niên từ 50 đến 70, và ta cũng biết những hoạt động nghệ thuật rất tích cực của giới nghệ sĩ cải lương trong thời điểm vàng son đó.

Anh Việt Hùng tên thật là Nguyễn Hữu Hùng, sanh năm 1923 tại Huế. Anh vào Sàigòn lập nghiệp, làm công chức ở Tòa Hành Chánh Gia Định năm 1946. Anh có giọng ca tốt, là ca sĩ tân nhạc hợp tác với nhạc sĩ Mạnh Phát và các nữ ca sĩ Minh Diệu, Minh Trang, Kim Tước trong Ban Tân nhạc Mạnh Phát trên Đài Phát Thanh Pháp Á.

Thời gian này anh làm quen với ca sĩ cổ nhạc Thành Công, trưởng Ban cổ nhạc, nên anh được ca sĩ Thành Công với các nhạc sĩ Bảy Quới, Hai Khuê, và Tư Hiệu dạy ca nhiều bài bản cổ nhạc. Trong hai năm 1947 – 1948, Việt Hùng nổi danh ca sĩ tân lẫn cổ nhạc, cùng thời với các danh ca làng dĩa nhựa và đài Phát Thanh như các ca sĩ Chín Sớm, Chiêu Anh, Thành Công, Sáu Thoàng, cô Ngọc Ánh, Cô Năm Cần Thơ.

Người vợ thứ nhứt của anh Việt Hùng là một nữ y tá trẻ đẹp của nhà thương Đồn Đất Sài gòn (nhà thương Grall) ở với anh có được một con trai. Người con trai đó hiện giờ định cư tại Nam Cali.

Bước ngoặc định mệnh: bỏ nhiệm sở, bỏ gia đình vì mê đào hát !

Năm 1948, gánh hát Thỉ Phát Huê về hát ở rạp Thành Xương (tức rạp chiếu bóng Diên Hồng xưa, ở góc Yersin – Phạm Ngũ Lão , Q1). Hai cô đào xuân sắc nhứt của gánh hát là cô Kim Nên (thân mẫu của ca sĩ tân nhạc Thái Châu) và cô Ngọc Nuôi, cả hai cô đều ca hay, đẹp sắc sảo, được nhiều khán giả ái mộ nên gánh hát Thỉ Phát Huê, đêm hát nào, khán giả cũng vào xem nghẹt rạp.

Kim Nên là em ruột của cô Năm Cần Thơ nên cô Năm Cần Thơ đưa các bạn ca sĩ cùng làm chung ở Đài Phát Thanh Pháp Á đến xem hát. Dịp này, ca sĩ Chiêu Anh si mê đào Kim Nên, ca sĩ Việt Hùng si mê đào Ngọc Nuôi. Khi gánh hát Thỉ Phát Huê hết hát ở rạp Thành Xương, dọn đi hát ở các tỉnh miền Tây thì Việt Hùng bỏ sở làm ở Tòa Hành Chánh Gia Định, Chiêu Anh nguyên là phát thanh viên của Đài Pháp Á, cũng bỏ sở làm.

Hai anh theo gánh Thỉ Phát Huê để học làm kép hát, hai anh bị “tiếng sét ái tình” làm cho mê man đầu óc, dám bỏ tất cả để bắt đầu làm một cuộc đời mới. Kết quả là Kim Nên sánh duyên cùng ca sĩ Chiêu Anh. Chiêu Anh không trở thành kép hát được mặc dù anh cao ráo, đẹp trai. Anh trở thành soạn giả, viết nhiều bài ca cổ nhạc cho Đài Phát Thanh Quốc Gia và Đài Phát Á. Anh cũng viết vọng cổ thu dĩa cho các hãng dĩa Pathé, Asia, Hoành Sơn…

Việt Hùng thành hôn với Ngọc Nuôi, anh trở thành kép chánh của đoàn hát Thỉ Phát Huê. Sau đó, Việt Hùng và Ngọc Nuôi về hát cho đoàn Tân Thiếu Niên. Việt Hùng và Ngọc Nuôi tuy là đào kép chánh của hai gánh Thỉ Phát Huê và Tân Thiếu Niên nhưng chưa thật sự nổi tiếng. Báo chí thời đó chưa có trang kịch trường để quảng cáo, lăng xê đào kép. Hai đoàn hát đó là trung ban, hát lưu diễn ở các tỉnh nhỏ nhiều hơn là hát ở Sàigòn, vì vậy khán giả ít biết đến tên tuổi của diễn viên.

Sáng chói trên sân khấu Hoa Sen

Nghệ sĩ Bảy Cao thành lập đoàn hát Hoa Sen năm 1952 với thành phần diễn viên, bên nam, có Bảy Cao, Việt Hùng, Bửu Tài, Ba Khuê, Ba Túy… dàn đào có các cô Kim Luông, Ngọc Nuôi, Ái Hữu, Cẩm Vân, Lệ Út. . . Đoàn Hoa Sen ăn khách nhờ mấy tuồng chiến tranh : Đoàn Chim Sắt, Nợ Núi Sông, Mộng Hòa Bình, Vàng Rơi Sông Lệ, Chiếc Áo Mùa Đông…

Việt Hùng cao lớn, lực lưỡng nên khi thủ vai sĩ quan trên chiến trường máu lửa thì trông rất oai phong. Tiếng hát của anh, khi nói lối hay đối thoại thì hơi nhừa nhựa, nhưng lại phù hợp với những vai sĩ quan tình báo, nói năng có vẻ bí mật, hăm dọa đối phương. Anh ca vọng cổ, tiếng rất khỏe, tiếng ngân ơ. . .ơ. . . cuối câu, được anh ngân đổ hột, khán giả thích thú khi khám phá ra một lối “ca nói”, khác hẳn các lối ca với giọng ngọt mùi của Bảy Cao, Năm Nghĩa.

Ngọc Nuôi ca rất lớn tiếng, nghe ngọt lịm. Cô vô xàng xê nghe hấp dẫn không thua gì vua xàng xê Minh Chí.

Ngọc Nuôi ca bài bản nào cũng hay, sắc vóc Ngọc Nuôi rất đẹp khi cô mặc bộ quân phục trong tuồng chiến tranh. Khi mặc y phục thường, bộ bà ba, chiếc áo dài hay bộ đồ đầm, Ngọc Nuôi thể hiện một thiếu nữ kiều diễm, duyên dáng. Sắc đẹp, giọng ca ngâm, lối diễn xuất tế nhị, là những tài sản trời cho, Ngọc Nuôi sáng chói trên sân khấu Hoa Sen, dù những giọng ca vàng của các cô đào Kim Luông, Lệ Út, Ái Hữu, vẫn không làm sao làm lu mờ hào quang rực rỡ của Ngọc Nuôi.

Năm 1954, vừa dứt chiến tranh Việt Pháp, dân chúng làm ăn phát đạt, nên có nhiều gánh hát mới được thành lập để đáp lại nhu cầu giải trí của dân Sài gòn và lục tỉnh. Vì nhiều đoàn hát mới thành lập nên có tình trạng “mua đào, bán kép”. Bầu Sinh, môn đệ của soạn giả Mộng Vân (đồng môn với Bảy Cao và Năm Nghĩa), lập gánh hát Hương Hoa, mời Việt Hùng – Ngọc Nuôi về hát với số tiền contrat bạc triệu, lương lớn gấp đôi số lương cũ ở đoàn Hoa Sen.

Về hát cho gánh Hương Hoa, Việt Hùng – Ngọc Nuôi cũng hát những tuồng chiến tranh : Khúc Nhạc Ly Hương, Việt Kiều Trên Đất Khách. Cả hai đóng vai chánh, Việt Hùng hào hoa phong nhã trong bộ quân phục sĩ quan, Ngọc Nuôi rất sang, rất đẹp trong vai cô nữ tình báo của địch quân. Tuy tuồng cũ, nhân vật không có gì mới, nhưng khán giả dễ dãi, xem hát mua vui nên các gánh hát lúc nào cũng bán hết vé.

Bắt đầu một thời hoàng kim, các nghệ sĩ đua nhau sắm xe hơi. Việt Hùng – Ngọc Nuôi cũng không ngoại lệ, mua nhà mới, sắm xe hơi mới. Vậy là chấm dứt cái thời đào kép hát phải “ăn quán, ngủ đình”!

Bà Ba Khan, người chủ nợ của Bầu Sinh và là chị ruột của hai diễn viên trẻ: Hương Sắc và Hương Huyền muốn tạo cơ hội cho hai em của mình thăng tiến trên con đường nghệ thuật nên xuất vốn lập ra gánh hát lấy bảng hiệu là gánh Việt Hùng – Minh Chí. Tất nhiên là Việt Hùng – Ngọc Nuôi ký hợp đồng mới, với số tiền lớn hơn, lương cao hơn, nhiều điều kiện phụ hấp dẩn hơn để rồi bỏ Bầu Sinh của gánh Hương Hoa, về làm chủ (trên danh nghĩa thôi) gánh Việt Hùng – Minh Chí.

Gánh hát Việt Hùng – Minh Chí bỏ tuồng chiến tranh, hát những vở tuồng của các soạn giả thế hệ thứ hai trong làng soạn kịch là Mộc Linh, Lê Khanh. Tuồng khai trương của gánh Việt Hùng – Minh Chí là vở tình sử Việt Nam “Đường lên xứ Thái” của soạn giả Mộc Linh. Lời văn chải chuốt, cốt truyện trữ tình, một thể loại sân khấu thi, ca, vũ, nhạc, mới lạ nên sức thu hút khán giả rất mãnh liệt.

Việt Hùng trong vai người chiến sĩ Việt Nam, bị thương, đi lạc trong khu rừng già của xứ Thái, được một sơn nữ (do Ngọc Nuôi thủ diễn) cứu, trị thương. Mối tình giữa người Kinh và người sơn nữ thơ mộng, đẹp tình, đẹp ý, gợi lại những cuộc tình dang dở trong chiến tranh, đã làm rơi lệ biết bao khán giả. Việt Hùng và Ngọc Nuôi sáng chói nhờ tài ca, diễn thật hay, lột tả được tính cách nhân vật một cách sâu sắc. Ngọc Nuôi còn có cơ hội thi triển làn hơi phong phú, ngọt ngào của cô qua các lối ngâm thơ mới, các bài Sương Chiều, Tú Anh, là những bài mà người có hơi trong, ngọt, mặc tình uốn lượn, luyến láy để dẫn dắt cảm quan của người nghe. Vở thứ hai ghi đậm sự thành công của Việt Hùng – Ngọc Nuôi về diễn các thể loại dã sử, cổ tích Việt Nam là vở “Người Đẹp Bán Tơ “của thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà.

Nhiều đoạn thơ hay của Kiên Giang được giọng ngâm thơ mượt mà, êm như nhung, như gấm của Ngọc Nuôi, làm tăng thêm giá trị vở tuồng và tăng thêm sức thu hút khán giả, đồng thời làm tăng thêm hào quang đã sẵn sáng chói của Ngọc Nuôi. Đáng lẽ ra gánh hát Việt Hùng – Minh Chí có thể vững vàng và phát triển thêm ở cái cương vị một Đại Ban, vì khán giả rất đông, tuồng tích hay, đào kép đẹp, ca, ngâm, diễn xuất rất hấp dẫn, nhưng chỉ hai năm sau từ ngày thành lập, gánh Việt Hùng – Minh Chí phải tan rã! Nghệ sĩ Minh Chí tách riêng ra lập gánh hát Minh Chí. Việt Hùng Ngọc Nuôi gia nhập đoàn hát Thanh Minh của bầu Năm Nghĩa.

Vai tuồng để đời của Việt Hùng – Ngọc Nuôi

Tôi (Nguyễn Phương) có cộng tác chung với anh Việt Hùng và Ngọc Nuôi trong Đoàn Thanh Minh, rồi Thanh Minh Thanh Nga trong nhiều năm, tôi biết anh Việt Hùng có nhiều vai hát rất hay, được khán giả và báo chí ngợi khen, nhưng chỉ có vai hát Cậu Ấm Thân trong tuồng Đoạn Tuyệt của Duy Lân là anh được coi như đó là vai hát để đời của anh.

Trong thập niên 1955 đến năm 1965, Đoàn Thanh Minh Thanh Nga được kể là một đoàn hát mạnh nhứt vì đoàn tập trung được những diễn viên thượng thặng của sân khấu cải lương, đoàn cũng có nhiều soạn giả thường trực nên có nhiều tuồng hay tích lạ.

Về diễn viên tài ba, bên kép có Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được,Việt Hùng, Hoàng Giang, Văn Ngà, Ba Xây, Minh Tấn, Minh Điển, Vinh Sang, Hề Châu Hí, Hề Kim Quang, Hề Núi, và có anh Năm Châu, chị Kim Cúc, Ba Vân, Phùng Há, Năm Sadec về cộng tác với Đoàn trong vài năm. Về phía đào, có Út Bạch Lan, Ngọc Nuôi, Thu Ba, Ngọc Giàu, Kim Giác, Thanh Nga, Hoàng Vân, Thanh Hiền, Thanh Lệ, Ngọc Chúng…

Giữa những diễn viên mà tên tuổi lẫy lừng như kể trên, Việt Hùng – Ngọc Nuôi phải có tài nghệ khác thường mới đứng vững nổi trong Đoàn. Anh Việt Hùng nhờ sắc vóc cao lớn, vẻ hào hoa phong nhã nên thành công dể dàng qua các vai dũng sĩ tuồng dã sử như Biên Thùy Nổi Sóng, Tình Tráng Sĩ, Người Về Từ Cửa Biển, Nẻo Tắt Hoành Sơn, Áo gấm khôi Nguyên… Ngọc Nuôi sáng, đẹp, đua tài khoe sắc với các nữ diễn viên như nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, sầu nữ Út Bạch Lan, Thu Ba hay giọng ca vàng Ngọc Giàu.

Đoàn Thanh Minh Thanh Nga diễn những vở ca kịch xã hội thì Việt Hùng xuất sắc qua vai chú ba Tài Xế, chồng của chị hai Bếp (Ngọc Nuôi) mẹ của Thanh (Thanh Nga) trong tuồng Con Gái Chị Hằng, Ngọc Nuôi thành công qua các vai mẹ trong các tuồng Tấm Lòng của Biển, Bóng Chim Tăm Cá, Bọt Biển, Con Gái Chị Hằng, Chén trà của quỷ, Bên Cầu đệt lụa…

Nhưng vai hát để đời của Việt Hùng – Ngọc Nuôi lại hoàn toàn trái với hình tượng mà lâu nay khán giả nghĩ về hai tài danh sân khấu này, đó là vai Thân và vai Bích trong tuồng Đoạn Tuyệt.

Việt Hùng thường đóng vai tráng sĩ, dũng tướng, kép đẹp trai thì nay vào vai Thân, một cậu ấm ngốc nghếch, ngu si, sợ vợ. Vai Thân diễn xuất đi đứng chậm chạm, nói năng nhừa nhựa, không dám nhìn thẳng vào mặt Loan, dù Loan rất dịu hiền. Thật là lối diễn hoàn toàn khác với cung cách xưa nay của Việt Hùng, không ngờ cách ca diễn như vậy lại đạt được sự thành công quá sức tưởng tượng. Nhờ cách diễn đó mà tăng thêm phần quái ác của bà mẹ chồng, bà Phán Lợi (do bà Năm Sadec diễn) và cô em chồng đanh đá Bích (do Ngọc Nuôi diễn). Trong dàn bao của ba tài danh Việt Hùng (Thân), Ngọc Nuôi (Bích) Bà Năm Sadec (Mẹ chồng) Thanh Nga (trong vai Loan) diễn xuất thương cảm nhất, sáng chói nhất trong loại hình sân khấu xã hội Việt Nam trong những thập niên 1960, 1970.

Ngọc Nuôi trong những thập niên này, nổi danh qua các vai Mẹ Hiền (Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển , Bọt Biển,… ) vụt sáng chói qua vai Bích, đứa em chồng đanh đá. Điều đó khẳng định là tuổi tác của diễn viên không mấy ảnh hưởng tới vai diễn. Tới tuổi gần năm mươi, Ngọc Nuôi vẫn thành công dễ dàng trong một vai tuồng của cô gái 18 tuổi.

Khi sân khấu đổi màu

Khi biến cố 1975 xảy ra, Việt Hùng cùng ba con : Ngọc Quý, Tài và Xinh trong Ban nhạc Crazy Dogs biểu diễn trong một Club Mỹ trong sân bay Tân Sơn Nhứt, được phi cơ Mỹ bốc đi di tản ngay. Anh không thể về đón Ngọc Nuôi và ba con còn ở lại là nữ ca sĩ tài danh Ngọc Bích, Năng và một người con trai nữa, tôi bỗng quên tên.

Đến Hoa Kỳ, Việt Hùng nghĩ ngay tới việc hoạt động trở lại của ngành sân khấu cải lương ở hải ngoại. Anh cùng nhạc sĩ Tám Trí chủ trương chương trình Thanh âm trìu mến trên đài Little Saigon, đào tạo các thế hệ diễn viên trẻ: Thu Hồng, Vương Kiệt, Thanh Huyền.

Khi các diễn viên cải lương Kim Tuyến, Ngọc Đan Thanh, Linh Tuấn. Hương Huyền, Thành Được, Dũng Thanh Lâm vượt biên sang tới Mỹ thì chính anh Việt Hùng và các nhạc sĩ Chí Tâm, Văn Hoàng, Tám Trí làm chất keo, gắn những người yêu nghề, cùng số phận, dưới ánh đèn sân khấu cải lương hải ngoại. Anh Việt Hùng đã thực hiện được những băng vidéo cải lương Tiếng Hạc Trong Trăng, Nửa Đời Hương Phấn, Lan và Điệp.

Anh cũng có mặt trong các cuộc hội họp có đông người Việt định cư ở Hải ngoại để ca vọng cổ, hát cải lương. Anh đã cùng Trần Văn Trạch đến hát giúp vui cho đồng bào trong trại tỵ nạn tại Palavan.

Ngày 27 tháng 7 năm 2001, lễ kỷ niệm Việt Hùng 80 tuổi đời, 60 năm tuổi nghề, tôi từ Montréal qua dự, tôi có quay đoạn phim Việt Hùng phát biểu và ca hai câu vọng cổ. Tiếng vẫn còn sang sảng, làn hơi vọng cổ vẫn còn âm hưởng của những ngày trong tuổi thanh xuân. Vậy mà đến ngày 31 tháng 12 năm 2001, Việt Hùng từ giã cõi đời đau khổ này để về Thiên Trúc với pháp danh là Minh Chánh.

Ngọc Nuôi sau 1975, hát trên sân khấu Thanh Nga, cũng các vai cũ trong Tấm Lòng Của Biển, Bên Cầu Dệt Lụa và vào vai nữ tướng Lê Chân trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh rồi từ giã ánh đèn sân khấu, chờ Việt Hùng và các con làm giấy bảo lãnh đi sum họp gia đình theo diện ODP. Thời gian này nhờ danh ca Ngọc Bích (con gái đầu lòng) nổi danh trong nhiều chương trình ca nhạc nên Ngọc Nuôi và gia đình còn ở lại Việt Nam sống cũng khá sung túc.

Việt Hùng khi qua Mỹ, ngày trở về quê hương xa lắc xa lơ, ngày sum họp vợ con ở Việt Nam cũng mù mờ không biết đến bao giờ mới được, nên bước thêm một bước nữa với bà Gia Mỹ, người vợ chót của anh.

Ngọc Nuôi được bảo lãnh qua Mỹ thì Việt Hùng đã sang thuyền khác, Ngọc Nuôi bơ vơ. Đôi uyên ương sân khấu đã lẻ bạn vì thời cuộc, tan vỡ vì nghịch cảnh. Đau lòng cho người trong cuộc mà cũng đau lòng cho những bạn bè đã yêu thương họ..

Ngọc Nuôi mất ngày 23 tháng 9 năm 2002, gần một năm sau khi Việt Hùng ra đi vĩnh viễn. Không biết Ngọc Nuôi có rượt đuổi theo kịp Việt Hùng để gặp lại nhau, nối tiếp cuộc tình dang dở bên kia thế giới hay vẫn chịu cảnh trễ đò, trễ xe như ở kiếp này trên chốn dương trần.

Là người bạn lâu năm của anh Việt Hùng và Ngọc Nuôi trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, tôi van vái Phật Trời cho hai anh chị gặp lại nhau, yêu nhau và làm thành một đôi vợ chồng hạnh phúc trên chốn Thiên Đình.

Tôi tin Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Út Trà Ôn, Kim Quang sẽ gặp lại Thanh Nga và Năm Nghĩa, Bà Bầu Thơ họp lại nhau, lập gánh hát Thanh Nga trên chốn Thiên Đình, hát cải lương cho Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư tiên xem. Thương nhớ Việt Hùng và Ngọc Nuôi.  (Soạn giả Nguyễn Phương)

Yên Huỳnh chuyển tiếp

Bình luận về bài viết này