MỖI CÂU CHUYỆN MỘT VẤN ĐỀ (1)

NS NGUYỄN VĂN TÝ:

‘BỊ CON CÁI BỎ RƠI…’ ?!

Tuổi cao sức yếu, bệnh tật đeo mang… những ngày cuối đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải sống trong cảnh đơn độc, khốn khó và thiếu trước hụt sau. Đến con gái của ông, dù sống ở Sài Gòn, 2 năm rồi cũng không đến thăm ông.

Từng là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên sáng lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam và để lại dấu ấn trong lòng công chúng qua những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ... thế nhưng, ít ai ngờ rằng ở cái tuổi gần đất xa trời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang phải chật vật với cuộc sống đơn độc, lắm bệnh tật.

Tuổi già khốn khổ của người nhạc sĩ tài hoa

Trong căn phòng chưa đến 10m2, cuộc sống của người nhạc sĩ 95 tuổi chỉ gói gọn trên chiếc giường sắt cũ kĩ. Tay chân ông bây giờ rất yếu nên chẳng thể đi đứng được, ông bảo đôi khi muốn đứng dậy pha tách trà mà cũng không làm được. Mọi sinh hoạt thường ngày của ông đều phải cậy nhờ vào người cháu họ xa, vốn chăm sóc ông suốt mấy mươi năm qua.

“Tôi nhiều bệnh lắm, thần kinh tôi bây giờ yếu, trí nhớ giảm, lúc nhớ lúc quên. Một bên tai tôi cũng không nghe được, tôi cũng không đi đứng được, càng nằm càng liệt. Lắm lúc tôi muốn ngồi dậy pha một ấm trà mà cũng không làm được. Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ trông nhờ vào người cháu họ xa, tôi buồn và cô đơn lắm…!”, người nhạc sĩ già rưng rưng nước mắt khi nói về cuộc sống đơn độc của mình.

Dẫu tuổi cao sức yếu nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn còn khá minh mẫn, ông vẫn nhớ như in những cột mốc quan trọng trong cuộc đời mình cùng chuỗi kí ức về 2 người vợ và 2 người con mà ông rất mực yêu thương. Tuy nhiên, theo lời Nguyễn Văn Tý chia sẻ, hiện tại cả 2 người con của ông đều không đoái hoài đến người cha già yếu, bệnh tật và không biết còn sống được bao lâu nữa…

“Tôi có 2 người con gái đều đã lập gia đình, một người là giáo viên dạy văn hóa, người còn lại dạy piano và được tôi cho đi học ở Đức. 2 con tôi hiện tại cũng sắp đến tuổi về hưu rồi nhưng không đứa nào lo cho tôi. Con tôi nó bỏ tôi đi, không lo lắng cho tôi dù tôi là người đẻ nó ra, cho nó ăn học thành tài”, tác giả ca khúc Dư âm bật khóc thổ lộ.

Không được con ruột phụng dưỡng lúc về già nên nguồn thu nhập hiện tại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ trông chờ vào phần lương hưu mỗi tháng cùng sự hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân gần xa, giúp ông trang trải chi phí thuốc men cũng như có bữa cơm bữa cháo trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng.

Mà, ngay cả căn nhà cấp 4 này, nay đã không còn là của ông nữa. Bởi, theo lời ông, cách đây nhiều năm, người con gái thứ 2 đã nghe lời xúi giục của chồng, yêu cầu ông làm giấy tờ để lại ngôi nhà tuềnh toàng nằm trong con hẻm cụt ở quận 1, này cho vợ chồng mình.

Ông nghẹn ngào bảo : “Nhà này tôi mua khi mới từ ngoài Bắc vào Nam, nhưng con gái không thương tôi, lừa tôi để lại ngôi nhà này cho nó, tôi hỏi nó : “Bố để lại cho con rồi bố ở đâu con ?”, thì nó mới nói: “Bố cứ ở đây đi, đến khi bố mất thì thôi”.

Để rồi, suốt nhiều năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống hiu quạnh một mình với kiếp sống đơn độc, con không ghé thăm…

Có một thời gian, 2 vợ chồng người con gái nhỏ đã dọn về ngôi nhà này sống chung để phụng dưỡng ông nhưng không biết vì lý do gì, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã phải nhờ đến cơ quan công an để đuổi vợ chồng người con ra khỏi nhà. Theo lời chị Thương, người cháu họ xa đã có gần 30 năm chăm sóc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông là một người cha tốt và rất yêu thương con cái cùng các cháu trong gia đình. Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và 2 người con ruột trước đó rất tốt, tuy nhiên sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý làm giấy sang tên quyền sở hữu ngôi nhà này cho người con gái thứ 2 thì tình cảm giữa 3 cha con bắt đầu phát sinh mâu thuẫn.

Còn người con gái đầu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, do chồng mất sớm nên mang gánh nặng gia đình, không có nhiều điều kiện chăm sóc cho cha. “Mỗi năm, người đó cũng gửi được vài triệu vào lo cho ông”, chị Thương tiết lộ.

Trước thắc mắc vì sao cả 2 người con của lại bỏ rơi cha ruột, phải chăng trong mối quan hệ gia đình, ông và các con của mình đã xảy ra mâu thuẫn ? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chậm rãi cho biết : “Tôi và các con chẳng có mâu thuẫn gì nhưng tôi đoán thế này, con cái tôi nó muốn điều khiển bố mẹ nhưng nó không làm được điều đó với tôi nên thành ra như thế. Giờ phải có ai nói vào thẳng vào mặt chúng, bảo mày đối xử như thế là không được… Tôi bảo chúng nó vào thăm tôi nhưng nó không vào, tôi không hiểu sao nữa… bạc tình lắm!”.

Ngoài việc đối diện với tuổi già và bệnh tật trong sự cô độc, không con cái chăm sóc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn một mình trải qua những vết thương nơi tâm hồn khi nhớ đến 2 người vợ mà ông từng hết dạ yêu thương.

Ông kể lại : “Tôi nhớ 2 bà ấy nhiều lắm. Ngày xưa tôi lấy người vợ đầu tiên, tôi phải theo đạo và bất chấp sự ngăn cản của gia đình, tôi đã khóc để xin phép mẹ được lấy bà ấy. Ngày đó vợ chồng dù nghèo khổ nhưng rất yêu thương nhau. Tôi và bà ấy kết hôn được 1 năm thì bà ấy mất vì bệnh sau khi hạ sinh cho tôi đứa con gái đầu lòng. Mải đến gần 10 năm sau đó, tôi mới gặp người vợ thứ 2, là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, qua mai mối.

Tôi nhớ lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã giới thiệu với bà ấy rằng : “Ngoài kia có thằng Tý, nó đẹp trai và nhiều tài vặt lắm”, thế rồi bà mới tiến đến nói với tôi : “Ừ thì đẹp trai nhưng anh có tài vặt gì ?”. Lúc ấy, tôi đã đáp lời bà ấy rằng: “Em nói thế thì anh cũng cho biết, anh chẳng có tài cán gì cả” và tôi không ngờ câu trả lời đó càng làm bà ấy quý mến, yêu thương tôi bởi cho rằng tôi là người khiêm tốn”.

Dù người vợ sau khi đến với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, bà từng có một đời chồng và 4 người con nhưng điều này không ngăn được tình yêu mà ông dành cho bà. “Lúc đó tôi nói với bà ấy là, em yên tâm đi, nếu các con của em thương anh thì anh cũng thương chúng nó… Tôi thương và trân quý nhất ở bà ấy là cái tình đối với chồng con vô cùng sâu sắc. Tôi từng suýt mất vợ trong một trận đánh bom, vì vậy mà tôi thương bà ấy lắm!”- ông nói về người vợ đã khuất của mình với tất cả sự yêu thương.

Bằng tình yêu thương mãnh liệt dành cho vợ con, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã viết tặng người vợ thứ 2 cùng cô con gái ca khúc Mẹ yêu con. Trong niềm xúc động bùi ngùi khi nhớ lại kỉ niệm đặc biệt này, người nhạc sĩ 95 tuổi vừa mếu máo khóc, vừa hát lại câu “miệng con chúm chím xinh xinh như đài hoa” và cho biết những câu từ này ông dành miêu tả cô con gái nhỏ thuở ấu thơ, thế nhưng ở hiện tại, người con ấy đã bỏ mặc ông…

“Tôi muốn chết lắm… tôi muốn lắm và muốn chết ngay…”, người nhạc sĩ tài hoa bật khóc nức nở trước phận đời khốn khó của mình.

Nghề nhạc sĩ có cái thanh cao của nó

Từng dành cả quãng đời tuổi trẻ của mình để cống hiến cho âm nhạc nước nhà, thế nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quặn lòng cho biết, nhiều năm nay, không có đồng nghiệp hay bạn bè nào đến thăm hỏi ông, điều này khiến người nhạc sĩ tuổi cao sức yếu buồn tủi và rất dễ xúc động rơi nước mắt khi bất chợt thấy có ai nhớ đến mình.

Khi được hỏi niềm vui lớn nhất của mình bây giờ là gì, ông xót xa bảo: “Đó là có người đến thăm hỏi, chăm nom, cho tôi ít tiền để sống… Đến một lúc nào đó không còn kinh tế để xoay trở cuộc sống thì đó là ngày tôi chấm dứt cuộc đời của mình…”.

Dẫu tuổi cao sức yếu, không còn cống hiến được cho nghệ thuật nhưng trong thâm tâm của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn có những trăn trở về sự nghiệp âm nhạc. “Tôi mơ ước… và lẽ ra tôi phải làm được những thể loại âm nhạc lớn vì tôi có khả năng làm, nhưng lại không làm được do thời trẻ không có điều kiện. Lắm lúc tôi muốn viết một ca khúc nói về cuộc đời của chính mình, tôi muốn lắm nhưng tôi sợ. Thần kinh của tôi yếu lắm rồi, nếu phải suy nghĩ hay xúc động, tôi có thể bị đứt mạch máu não. Nên tôi không dám làm vì sợ…”.

Nếu được quay ngược thời gian trở về quá khứ và thay đổi một điều gì đó để không khiến bản thân cảm thấy hối tiếc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã thẳng thắn cho biết ông muốn thoát khỏi sự nghèo khổ, bởi nó kiềm hãm con người ông và cả gia đình suốt hàng chục năm. Dù là một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc bất hủ, thế nhưng để có thể theo đuổi đam mê ấy, Nguyễn Văn Tý đã phải đánh đổi và trả nhiều cái giá.

Dẫu vậy, Nguyễn Văn Tý khẳng định rằng ông vẫn sẽ trở thành một nhạc sĩ nếu được quay ngược thời gian và lựa chọn lại nghề nghiệp của mình, bởi với ông, sống một cuộc đời làm nhạc sĩ, nó có sự thanh cao, đẹp đẽ của nó !  (theo Thanh Hương – Phunuonline)

Nhưng theo một nguồn tin khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, con gái đầu tiên (hiện sống ở Hà Nội) của ông vẫn gửi tiền cho ông. Riêng người con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang sống ở Sài Gòn (con gái thứ 2) mỗi tháng đều gửi cho bố mình 2 lần tiền, do người nhà tận tay mang đến. Hội Âm nhạc ở Sài Gòn mỗi tháng cũng hỗ trợ cho ông 1,5 triệu đồng, cho người mang xuống tận nhà. Chưa kể tiền tác quyền âm nhạc mà ông vẫn ký nhận không dưới tiền triệu.

Điều đó có nghĩa, thu nhập của nhạc sĩ mỗi tháng không hề dưới 20 triệu đồng. Ngoài ra, thỉnh thoảng ông còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của khán giả yêu thương ông.

Khi được hỏi về việc chăm sóc và chi tiêu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, chị Hoàng (tên của nhân vật đã được thay đổi) – hàng xóm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý- cho biết mọi chi tiêu trong cuộc sống của ông nhiều năm qua đều do người chăm sóc ông hiện tại, là người phụ nữ tên Thương, quyết định.

Quế Phượng chyển tiếp

“TÔN NGƯỜI HẠ MÌNH”

LÀ BIỂU HIỆN CỦA BẬC

ĐẠI TRÍ TUỆ CHÂN CHÍNH

Thành ngữ cổ có câu: “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp” (Kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ) là có ý nói rằng người có tài trí cao nhưng luôn khiêm tốn, không để lộ tài năng, vẻ ngoài biểu hiện ra giống như một người ngu dốt nhưng thực ra lại là người có trí tuệ phi phàm.

Thời Tam Quốc, trên phương diện trị quốc, Gia Cát Lượng được người đời đánh giá là người toàn năng. Đối với Lưu Bị mà nói, văn phải nhờ đến Gia Cát Lượng, võ thì không thể rời xa Quan Vũ, Trương Phi, nhưng vì sao ba người họ lại một lòng phục tùng Lưu Bị ?

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có chi tiết về việc Lưu Bị ba lần đích thân đến lều tranh thỉnh mời Gia Cát Lượng trợ giúp mình thì chúng ta có thể hiểu được điều này. Sở dĩ Lưu Bị có thể thu phục được người tài là bởi vì ông dùng lòng tôn kính, thậm chí là kính nể để đối đãi với mọi người. Đây là điều mà người bình thường  khó có thể làm được.

Thời Chiến Quốc, Yên Vương (Vua nước Yên) hỏi  lão thần Quách Ngỗi : “Thỉnh ngài chỉ giáo cách làm thế nào mới khiến quốc gia cường thịnh?”

Lão thần Quách Ngỗi đáp : “Thời Tam Hoàng Ngũ Đế đối đãi với đại thần giống như đối đãi với bậc thầy. Quân Vương có đức kết giao với thần tử giống như những người bạn. Minh chủ hùng mạnh đối đãi với đại thần tôn kính như đối với khách, chỉ có bậc Quân Vương mất nước mới đối đãi với thần tử giống như người tù tội. Xin Đại Vương tùy ý lựa chọn cách làm!”

Yên Vương nghe xong đáp : “Ta nguyện ý học tập, nhưng lại không có người thầy tốt chỉ dạy.”

Quách Ngỗi nói : “Nếu Đại Vương thực sự có chí nguyện mong muốn quốc gia giàu mạnh, thần nguyện ý làm người dẫn đường cho người đọc sách trong thiên hạ.”

Thế là Yên Vương lập tức xây dựng cung thất cho Quách Ngỗi, đồng thời còn bái ông ta làm sư phụ. Chưa đầy ba năm sau đó, người ở các nước nghe việc Yên Vương thực lòng muốn cầu hiền tài, tôn kính hiền tài nên đã ùn ùn kéo đến yết kiến. Trong đó có Tô Đại nước Tề, Nhạc Nghị từ nước Triệu, Khuất Cảnh từ nước Sở đến cống hiến. Vua Yên Vương uỷ thác việc nước cho những người ấy. Về sau nước Yên thực sự trở thành một nước cường thịnh.

Điển cố “Hàn Tín chịu nhục chui háng” cũng là thể hiện “đại trí giả ngu”. Nếu khi ấy Hàn Tín lấy đầu kẻ vô lại bằng thanh bảo kiếm của mình, ông sẽ không phải chịu nỗi nhục chui dưới háng của hắn. Nhưng ông đã nhẫn chịu nỗi nhục này để tránh lấy đi một mạng người.

Hàn Tín có thể chui dưới hai chân của kẻ vô lại không phải hèn nhát, cũng không phải ngu ngốc. Đó là biểu hiện cao thượng của tâm đại nhẫn và đại trí. Sau này, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Hán Cao Tổ Lưu Bang và giúp ông sáng lập triều Hán. Công lao vĩ đại của Hàn Tín đối với triều Hán đã chứng minh ông là một bậc đại trí.

Một số người chỉ trích tư tưởng “tinh trung báo quốc” của Nhạc Phi triều Tống là “ngu trung”. Cũng có người coi hành vi của những bậc đại trí tuệ là “điên” và “khờ”. Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn ngược lại.

Trong lịch sử còn có cố sự gọi là “phong tăng tảo Tần” (tăng điên quét Tần Cối). Vị “tăng điên” này không phải điên thật, mà ông chỉ dùng trí tuệ của mình để bỡn cợt một đại gian thần làm Tể tướng đương triều, kẻ đã giết hại trung thần Nhạc Phi. Tần Cối, kẻ tự đóng mình lên cây cột sỉ nhục muôn đời mới là kẻ “điên” và “khờ” thật sự.

Chỉ người không so đo tính toán “được – mất” ở thế gian, luôn dùng tâm đại nhẫn, “tôn người hạ mình” mà thiện đãi tất cả mọi người trong thiên hạ mới đúng là biểu hiện của bậc đại trí tuệ chân chính. (theo An Hòa(biên dịch – t/h)

Phan Tất Đại chyển tiếp

CÁI TÔI TRONG CUỘC SỐNG

Cô giáo Quỳnh bước vào lớp học, các em học sinh lập tức trở lại vị trí của mình đồng thanh nói : “Chúng con chào cô ạ”. Cô nhìn quanh lớp học rồi mỉm cười gật đầu để các em ngồi xuống.

Cô bước tới bục giảng, ánh mặt trời buổi sớm xuyên qua cửa sổ với những tia nắng ấm áp khiến cô trông càng giống một nàng tiên áo trắng xinh đẹp. Giáo dục là công việc của cô và cô luôn cảm thấy rất yêu thích công việc của mình. Cô cũng luôn cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được dạy dỗ và ở bên những cô bé cậu bé đáng yêu này. Cô từ từ lấy viên phấn rồi viết lên trên bảng đen biểu tượng dấu chia rồi nói: “Trước đây cô đã dạy các em phép tính nhân, hôm nay chúng ta sẽ cùng học phép tính chia nhé.”

“Phép tính chia rất đơn giản”, cô dùng một giọng nói nhỏ nhẹ và một ánh mắt trìu mến nhìn xuống các em nhỏ. Các em cũng dùng một ánh mắt rất trong sáng ngây thơ chăm chú nghe cô nói tiếp. Cô viết một con số 8 lớn trên bảng, sau đó hỏi các em : “Trong các em ai có thể cho cô biết, một nửa của 8 là bao nhiêu ?”

Lớp học ngay lập tức trở nên ồn ào, nhiều cánh tay vội vã giơ lên để trả lời câu hỏi, một số cậu bé thậm chí còn không đủ nhẫn nại đã nói vọng lên: “Một nửa của 8 là 4 ạ”.

Cô mỉm cười gật đầu công nhận câu trả lời đúng, nhưng đột nhiên mắt cô dừng lại vào một cậu bé đang ngồi ở góc cuối bên phải lớp học. Một cậu bé vừa cao vừa gầy im lặng cúi đầu, em không có biểu lộ giống như các em khác trong lớp. Cậu là học sinh mới chuyển đến được 1 tuần có tên là Nam, có lẽ cậu bé vẫn chưa hoà nhập được với môi trường mới.

Dựa vào nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cộng thêm với trực giác của một nhà giáo, cô cảm giác được đây là một cậu bé rất thông minh nhưng chỉ hơi nhút nhát một chút. Cô từ từ tiến tới chỗ cậu bé và hỏi : “Nam, con có biết một nửa số 8 là bao nhiêu không ?”

Cậu bé vẫn nhút nhát cúi đầu khẽ trả lời rằng : “Thưa cô, con không hiểu tại sao một nửa số 8 lại là 4 ?” Cả lớp ngay lập tức bật cười thành tiếng.

Một số cô bé còn bụm miệng cười, còn có cậu bé khác cố ý nói to: “Phép tính đơn giản vậy mà cũng không biết!”. Đủ các sắc thái biểu hiện khác nhau của các bạn học khiến cậu càng xấu hổ. Đến đây, cô lo sợ rằng điều này có thể làm tổn thương cậu bé bởi vì mặt Nam lúc này đã rất đỏ rồi, đầu cậu cúi thấp đến nỗi không thể thấp hơn được nữa.

Cô giáo lúc này đặt ngón trỏ lên môi và muốn các em trật tự trở lại. Cô nói: “Vậy con cho cô biết câu trả lời của con là gì  ? Con có thể nói cho cô và cả lớp biết được không ?”, cô nói với giọng hết sức nhẹ nhàng và khuyến khích Nam dũng cảm nói ra những điều mình nghĩ.

Cậu bé ngượng ngùng đứng dậy và chậm rãi đi về phía bục giảng. Cậu nhìn vào con số 8 trên bảng đen một lúc rồi đưa tay lên che một nửa trên của số “8”, sau đó lí nhí nói : “Thưa cô một nửa số 8 là 0 ạ.” Cả lớp đang nhao nhao đột nhiên trở nên im lặng lạ thường.

Sau đó, cậu lại di chuyển tiếp bàn tay và che dọc con số 8 rồi nói tiếp: “Nửa số 8 cũng là số 3 ạ”.

Câu trả lời của cậu bé không chỉ khiến cho cả lớp im phăng phắc, đồng thời còn khiến cho không ai trong lớp có thể bác bỏ. Cậu đứng trên bục giảng và lo lắng nhìn cô giáo, đợi chờ cô giải thích, trái tim cậu vẫn đập thình thịch đến nỗi cậu cảm giác như cả lớp đều nghe thấy tiếng tim cậu đập. Cậu không biết liệu cô giáo có thể chấp nhận lời giải thích của cậu về câu hỏi này không ?

Lúc này cô giáo bắt đầu chậm rãi tiến về phía bục giảng sau đó vỗ nhẹ nhàng vào vai Nam rồi mỉm cười trìu mến nói : “Câu trả lời của con thật tuyệt vời !”

Cô Quỳnh cảm thấy một cái gì đó thật ấm áp trong tâm, đã nhiều năm dạy học như vậy thật không ngờ hôm nay cô lại được một cậu học trò bé nhỏ dạy cho một bài học! Nam vốn đang mang một khuôn mặt nặng trĩu bỗng trở nên sáng ngời, cậu ngẩng đầu lên và nhìn các bạn học của mình đang trong một biểu hiện sự ngưỡng mộ pha lẫn thích thú.

Sau đó, cô lấy tiếp trong túi 8 viên bi ve và hỏi Nam : “Con cho cô biết cô có bao nhiêu viên bi ve trong tay ?”. Nam tính một lúc rồi trả lời: “Thưa cô, 8 ạ”.

Cô phân 8 viên bi ra 2 phần bằng nhau và nói : “Vậy con cho biết giờ số lượng mỗi bên là bao nhiêu ?” Nam trả lời: “Là 4 ạ !” “Đúng rồi! Vậy nếu con cầm đi một nửa số bi này, thì trên tay cô sẽ còn lại là bao nhiêu ?” Cậu bé với khuôn mặt sáng ngời, lớn tiếng trả lời: “Còn 4 ạ !”

Lúc này cậu đã hiểu và quay trở lại chỗ ngồi của mình, vừa đi vừa nói : “Ồ mình hiểu rồi, hoá ra một nửa của 8 là 4”.

Cô mỉm cười nhìn cả lớp, đột nhiên cô cảm thấy mình thật may mắn khi có được những học trò như thế. Cô cũng rất vui vì mình có thể dùng cách tiếp cận linh hoạt để giáo dục và truyền cảm hứng giúp cho các em phát huy tối đa tài năng của mình. Cô luôn tin rằng những mầm non này nhất định sẽ trở thành những người hữu ích trong tương lai.

Câu chuyện trên cũng cho chúng ta thấy một điều, đó là đừng vội phê phán hay cười chê người khác khi họ có cách nhìn không giống mình.

Yên Huỳnh chyển tiếp

GIAI THOAI BAI VALSE :

DÒNG SÔNG XANH

Tình yêu trong đời người nhạc sĩ thiên tài khiến những nốt nhạc thăng hoa..

Nhạc sĩ thiên tài Johann Straus II có tới 3 người vợ. Người vợ đầu là nữ ca sĩ Jetty Treffz ông cưới vào năm 1862. Mười sáu năm sau, Jetty qua đời vì bệnh tim, Johann Strauss bước thêm bước nữa với nữ diễn viên Angelika Dittrich. Tuy nhiên, hai tâm hồn không “đồng điệu”, nên chỉ hơn 1 năm sau, Johann Strauss xin ly dị.

Sau đó, nhạc sĩ chắp nối với Adele Deutsch, góa phụ trẻ của ông Hoàng Von Meyszner. Cuộc hôn nhân thứ ba này tuy không được Giáo hội Công giáo thừa nhận (vì người vợ trước – Angelika – vẫn còn sống), nhưng lại là cuộc hôn nhân hạnh phúc, tốt đẹp nhất của Johann Strauss II. Chính nhờ sự khuyến khích, nâng đỡ tinh thần của Adele mà tài năng, óc sáng tạo của nhạc sĩ đã được phát huy tới mức tối đa trong những năm cuối đời.

Giai thoại về sự ra đời của bản valse huyền thoại…

Sau đây là giai thoại về sự ra đời của bản valse được mệnh danh Vua của những bản valse, Danube xanh (Danube bleu), với một câu chuyện tình đượm buồn với những cao trào đau khổ trong tình yêu làm nên tác phẩm bất hủ :

Nhạc sĩ Johann Strauss II sống trong tình yêu đằm thắm, sâu sắc, dịu ngọt của vợ ông, Henrietta Jetty Treffz, một ca sĩ xinh đẹp lừng danh với giọng mezzo-soprano. Một ngày kia Treffz phát hiện ra chồng mình đang lạc vào tình yêu mới với một cô gái trẻ trung xinh đẹp từ xa tới.

Đau khổ, bà tìm đến khách sạn, gõ cửa phòng cô gái trẻ. Mở cửa, cô gái trẻ choáng váng nhìn thấy người vợ nổi tiếng của ông xuất hiện. Cô hốt hoảng chờ đợi những tiếng gào thét ghen tuông giận dữ sẽ xé tan không khí tĩnh lặng của gian phòng…

Nhưng không một lời ca thán, Quý bà nói lời cám ơn cô gái đã làm cho chồng mình hạnh phúc và dặn cô hãy chú ý đến bệnh phổi của ông, hãy mặc thêm áo ấm cho ông mỗi khi trời tối. Cô chưa hết sững sờ thì bà đã tạm biệt, đóng cửa rồi đi. Cô khóc, vì yêu, vì xót và vì bao điều khác nữa…

Ra đến cửa khách sạn, nỗi niềm chồng chất dồn nén bấy lâu trong lòng bỗng trở nên quá sức chịu đựng, người nữ ca sĩ vốn đang mang bệnh tim lảo đảo ngã quỵ…

Nhạc sĩ đến khách sạn gặp người yêu, đúng lúc thấy vợ ngất xỉu, ông liền lo lắng đưa vợ đi bệnh viện. Khi tỉnh lại, vợ ông xin lỗi đã đến gặp người bạn gái của ông. Bàng hoàng, ông phóng ngay đến khách sạn tìm người yêu nhưng nàng đã ra đi bởi nàng nhận ra tình yêu của mình đang làm tổn thương một người vợ hiền.

Ông chạy đuổi theo đến cảng thì vừa lúc con tàu rúc còi rời bến…

Strauss đứng như trời trồng, đau khổ đến tột cùng nhưng đồng thời ông cũng cảm nhận được hạnh phúc lớn lao hiếm có, ông đã được hai người phụ nữ tuyệt vời yêu thương, cả hai đều cao thượng, đều tha thứ cho ông và biết hy sinh…

Đứng trên bến sông, những xúc cảm dữ dội trong ông tuôn trào khởi nguồn cho bản Danube Xanh bất hủ sau này, bản nhạc valse trữ tình được giới mộ điệu vinh danh là Vua của những bản nhạc Valse.

– Johann Strauss II – The Blue Danube Waltz :   https://youtu.be/_CTYymbbEL4

– Dòng Sông Xanh – Thái Thanh :   https://youtu.be/UaTXKKI03Kk

Yên Huỳnh chyển tiếp