CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (14)

BIẾT TRƯỚC VẬN MỆNH,

CÁC DANH NHÂN XƯA

ĐÃ LÀM GÌ THAY ĐỔI VẬN SÓ ?

Trong lịch sử Việt Nam và Trung Hoa, có nhiều vị tướng kỳ tài có khả năng tri mệnh (biết trước được vận mệnh) như Trần Nguyên Đán và Gia Cát Lượng. Dù có tài năng như vậy, nhưng họ có thể làm gì để thay đổi vận mệnh theo ý mình ?

1/- Trần Nguyên Đán làm gì cứu nhà Trần và cháu ngoại là Nguyễn Trãi ?

Cuối đời nhà Trần, Hồ Quý Ly được thăng quan tiến chức rất nhanh, nổi lên là một quyền thần trụ cột, thao túng triều chính. Theo lịch sử thì hai bà cô ruột của Hồ Quý Ly (cũng là hai chị em ruột) đều là Hoàng phi của vua Trần Minh Tông. Bà Minh Từ sinh ra vua Trần Hiến Tông và vua Trần Nghệ Tông, còn bà Đôn Từ thì sinh ra vua Trần Duệ Tông. Sau, con gái của Hồ Quý Ly lại là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Em gái họ của Hồ Qúy Ly lấy Trần Duệ Tông, sinh ra Trần Phế Đế.

Dựa vào mối quan hệ hôn nhân phức tạp này, Hồ Qúy Ly thao túng nhà Trần, nhiều tôn thất nhà Trần biết đây là mối họa lớn nhưng không sao diệt trừ được. Trụ cột của nhà Trần lúc đó là quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán xem lá số tử vi Thái Thượng Hoàng Nghệ Tôn thấy có Vũ Phá thủ mệnh, coi người thân như cừu thù, coi kẻ ác như ruột gan chắc chắn sẽ nghe Hồ Quý Ly; lại thấy Quý Ly có Tử Phá thủ mệnh, biết y sẽ cướp ngôi, và nhà Trần mất.

Biết trước được điều này, Trần Nguyên Đán đã làm gì để thay đổi vận mệnh cho nhà Trần ? Ông đã hết lòng khuyên can Thượng Hoàng, nhưng những lời lẽ ruột gan của ông không được Thượng Hoàng nghe theo. Khi Thượng Hoàng Nghệ Tôn gả công chúa cho Hồ Quý Ly, thì Trần Nguyên Đán hết sức khuyên can, ông còn làm bài thơ “Thập cầm” (Mười giống chim) cảnh tỉnh Thượng Hoàng hãy cảnh giác với “con quạ già hiểm độc” (chỉ Hồ Quý Ly). Trong bài thơ có câu:

Nhân ngôn ký gửi dữ lão nha

Bất thức lão nha liên ái phầu

Tạm dịch là:

Gửi con cho lão quạ già

Biết là lão quạ thương là mấy thương

Cảnh tỉnh Thượng Hoàng không được, ông biết vận mệnh nhà Trần đã hết, ông quyết định về Côn Sơn (Hải Dương) dạy học. Trước khi đi ông kết thân với Hồ Quý Ly, giao các con mình Mộng Dữ, Thúc Giao và Thúc Quỳnh cho Hồ Quý Ly.

Đáp lại, Hồ Quý Ly cũng đem con gái là Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ và cho Mộng Dữ làm chức Đông cung phán thủ.Thúc Giao và Thúc Quỳnh đều được làm Tướng quân.

Chính vì thế mà cho đến tận ngày nay, nhiều người chê trách Trần Nguyên Đán về việc này, nhiều người gia tộc họ Trần xem hành động này của ông là phản bội là nhà Trần.

Thực ra cũng không thể trách Trần Nguyên Đán được, ông đã biết trước tương lai và đã làm tất cả những gì có thể làm được, nhưng ông cũng biết rằng đã là vận mệnh thì sức người không thể thay đổi, dù biết trước cả nhưng không thay đổi được, nên đành thuận thiên mà hành động thội. Việc ông kết thân với Hồ Quý Ly là nhằm bảo vệ gia tộc họ của mình khỏi bị tận diệt khi Hồ Quý Ly cướp ngôi.

Đúng như dự đoán của Trần Nguyên Đán, năm 1399 Hồ Quý Ly cho thanh trừng 370 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần, dẹp tan thế lực nhà Trần, năm 1400 thì lên ngôi Vua.

Tuy nhiên gia đình Trần Nguyên Đán thì không hề bị Hồ Quý Ly đụng đến, nhờ thế cháu nội và cháu ngoại của ông là Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi mới có điều kiện ăn học thành tài, sau này đều là anh hùng dân tộc.

Trần Nguyên Đán khi xem lá số của Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi biết 2 cháu mình sau này sẽ thành nghiệp lớn. Với Trần Nguyên Hãn thì ông không lo lắng lắm, nhưng ông lại rất lo cho Nguyễn Trãi vì đứa cháu ngoại này có số bị chết cả 3 họ, ông chỉ có thể dặn dò Nguyễn Trãi rằng “chiếm thành thì lui binh”.

Quả nhiên sau này hai người cháu của ông đều là trụ cột hàng đầu cho nghĩa quân Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn thuộc dòng quan võ, làm đến Thái Úy chỉ huy toàn bộ các tướng lĩnh. Đặc biệt Nguyễn Trãi là người hoạch định và ra toàn bộ các kế sách giúp quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh là giành lại được giang sơn đất nước.

Khi chiến thắng quân Minh, nhớ lại lời ông ngoại của mình từng dặn dò kỹ “chiếm thành thì lui binh”, Nguyễn Trãi bèn xin về Côn Sơn ở ẩn. Thế nhưng vận mệnh khó tránh, ông vẫn bị bắt ra làm quan. Vì làm quan thanh liêm chính trực, Nguyễn Trãi bị các đại thần ghen ghét vu cho ông tội giết Vua trong vụ án“Lệ chi viên” khiến ông bị tru di tam tộc.

Lời dự đoán ngày nào của Trần Nguyên Đán đã ứng nghiệm, ông dù biết rất rõ, đã căn dặn Nguyễn Trãi cẩn thận, Nguyễn Trãi cũng đã làm theo, nhưng quả nhiên mệnh trời khó tránh.

Cũng như Nguyễn Trãi, sau khi đánh thắng quân Minh, Trần Nguyên Hãn xin về quê ở ẩn, thế nhưng nhiều kẻ ghen ghét nói ông có khả năng mưu phản, vua Lê Lợi sai người đến đưa ông về kinh thành chịu tội.

Theo lịch sử thì trên đường về kinh thành, khi đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô. Trước khi chết, Trần Nguyên Hãn nói: “Tôi với hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, hoàng thượng nghe lời gièm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết xin soi xét cho”.Nói rồi ông trầm mình xuống sông tự vẫn.

Thế nhưng theo dòng tộc họ Trần truyền lại thì khi đến giữa sông, Trần Nguyễn Hãn đã giết mấy tên sai nha, tự làm đắm thuyền giống như mình đã tự vẫn, rồi bơi trở vào bờ.

Còn theo dân gian thì khi thuyền đến xã Đông Sơn, ông ngửa mặt khấn trời rằng: “Tôi với Vua cùng mưu việc cứu dân. Việc lớn đã hoàn tất mà Vua lại muốn giết tôi.Hoàng Thiên có biết thì xin soi xét cho”.

Ông vừa khấn xong thì bỗng nhiên gió lớn nổi lên, lật úp cả thuyền xuống.Bốn mươi hai xá nhân đều chết đuối cả, riêng ông cùng hai gia đồng lại trôi dạt được vào bờ và thoát chết.

Lời tiên đoán của Trần Nguyên Đán về Trần Nguyên Hãn cũng lại ứng nghiệm, ông đã thấy trước nạn của Trần Nguyên Hãn nhưng lại không lo lắm, mà chỉ lo cho Nguyễn Trãi.

2/- Chuyện tương lai hung kiết Gia Cát Lượng đều hiểu rõ, ông đã làm gì ?

Gia Cát Lượng là bậc quân sư kỳ tài thời hậu Hán, tài năng và của ông đều còn lưu truyền đến ngày nay.

Về chuyện Tam quốc, đến nay rất nhiều người lấy làm tiếc vì nhà Thục không thống nhất được thiên hạ. Nhiều người tiếc nuối, giá như không có cơn mưa lớn ở hang Thương Phương cứu cha con Tư Mã Ý cùng đại quân Ngụy; nếu như khi Gia Cát Lượng đánh bại quân Tư Mã Ý chuẩn bị tiến đến kinh thành nước Ngụy, Thục Chủ là Lưu Thiện đừng nghe lời xàm tấu bắt gọi Gia Cát Lượng kéo quân về nửa chừng thì mọi nguyện đã khác. Thế nhưng thực hư chuyện này là do dâu ?

Khi Lưu Bị lên lều cỏ tìm Gia Cát Lượng giúp mình, Gia Cát Lượng nhận thấy vận mệnh nhà Hán đã hết, nhưng trước sự kiên nhẫn của Lưu Bị, ông quyết định giúp Lưu Bị. Sáu lần xuất binh ra Kỳ Sơn phạt Ngụy, trên đường hành quân trên xe ngựa ông đã viết “Mã tiền khóa” dự đoán tương lai hàng trăm năm sau.

Mở đầu “Mã tiền khóa”, Gia Cát Lượng đã viết trong khóa thứ nhất rằng :

Vô lực hồi thiên

Cúc cung tận tụy

Âm cư Dương phất

Bát thiên nữ quỷ

Tạm dịch là:

Không sức đổi Trời

Còng mình gắng sức

Âm tồn Dương phất

Tám ngàn nữ quỷ

“Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy” là nói bản thân Gia Cát Lượng, như ông viết trong “Xuất sư biểu”: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. “Âm cư Dương phất” chỉ hoạn quan Hoàng Hạo loạn quyền, Khương Duy chỉ có thể duy trì tàn cục chứ không thể làm gì được. Câu cuối “Bát thiên nữ quỷ”: Chữ “Bát” (八) thêm chữ “thiên” (千) thêm chữ “nữ” (女) rồi thêm chữ “quỷ” (鬼), hợp thành một chữ “Ngụy” (魏) ý nói nhà Ngụy sẽ thống nhất thiên hạ.

Gia Cát Lượng dù khi ấy đang trên đường hành quân đánh Ngụy, nhưng ông đã biết trước rằng nhà Ngụy rồi sẽ thống nhất thiên hạ, bản thân ông dù biết trước cũng “không sức đổi trời”, chỉ có thể “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”.

Khóa thứ hai trong “Mã tiền khóa” cho thấy ông biết trước kết thúc tam quốc phân tranh, nhà Tấn sẽ lên ngôi

Hỏa thượng hữu hỏa

Quang chúc Trung Thổ

Xưng danh bất chính

Giang Đông hữu hổ

Tạm dịch là:

Trên lửa có lửa

Rọi sáng Trung Thổ

Xưng danh bất chính

Giang Đông có hổ

“Hỏa thượng hữu hỏa”, trên “hỏa” (火) có “hỏa” (火) tức hai chữ hỏa trên dưới tạo thành chữ “Viêm” (炎).Chỉ Tư Mã Viêm lập nên triều Tấn.

“Xưng danh bất chính” chỉ triều Tấn của Tư Mã Viêm thực chất là soán ngôi Tào Ngụy mà kiến lập, mà Tào Ngụy lại là soán ngôi triều Hán mà kiến lập, danh không chính ngôn không thuận.

“Giang Đông hữu hổ” chỉ Đông Tấn thành lập, đóng đô tại Kiến Khang thuộc Giang Đông.

Chính vì “Không sức đổi trời” nên khi Gia Cát Lượng lừa cha con Tư Mã Ý cùng đại quân nước Ngụy đến hang Thượng Phương, quân Thục dùng hỏa quân thiêu quân Ngụy. Không còn đường thoát, cha con Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời gào khóc chờ chết, đột nhiên một cơn mưa lớn đổ ập xuống cứu thoát nước Ngụy.

Kỳ sơn tháng 9 không bao giờ có mưa, nhưng trời lại mưa một lần duy nhất, và đó chính là cơn mưa cứu nước Ngụy. Điều đó thể hiện rằng ngọn lửa tài năng nhiệt huyết của con người không thể nào thắng được cơn mưa của trời.

Cảm thán trước sự việc này “Tam quốc diễn nghĩa” đã có thơ rằng:

Cửa hang gió cát với mây bay

Mưa xối mây đen kéo lại đây

Võ Hầu kế diệu ví thành đạt

Tấn triều sao chiếm núi sông này?

(Võ Hầu tức chỉ Gia Cát Lượng)

Nước Thục phía sau được bao bọc bởi núi Âm Bình hiểm trở không thể vượt qua, thế nhưng Gia Cát lượng cũng biết trước nhà Thục sẽ mất ở chính đường qua núi Âm Bình này, chính vì thế ông luôn báo trước cho các tướng việc này, đồng thời căn dặn khi nào cũng phải có quân túc trực phòng bị trên núi.

Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, sau khi Gia Cát Lượng mất, các tướng nhà Thục nhận thấy đường qua núi Âm Bình vô cùng hiểm trở, không thể đi đường này mà đánh nước Thục được nên bỏ qua, không cho quân canh giữ nữa.

Khi quân Ngụy tiến đánh nhà Thục, cánh quân Chung Hội tiến đánh phía trước, Khương Duy đưa toàn quân ra phía trước chặn Chung Hội, phía sau là núi Âm Bình hiểm trở không có ai canh giữ.

Đặng Ngải dẫn một cánh quân Ngụy theo đường núi này, liều chết qua núi, qua được ngọn núi này thì quân sĩ chết gần hết, chỉ còn 500 quân tiến vào kinh đô nhà Thục. Quân chủ lực nhà Thục không còn để chống lại, Thục Chủ đầu hàng, nhà Thục mất. Lời tiên đoán của Gia Cát Lượng đã ứng nghiệm, ông đã biết trước tất cả nhưng chỉ có thể làm được vậy, không thể thay đổi ý trời được.

Nhiều danh nhân trước đây đều có khả năng tri thiên mệnh, họ thành đại nghiệp là nhờ ‘thuận thiên’ mà làm, tức thuận theo số mệnh mà làm chứ không phải thay đổi số mệnh

Vào cuối thời nhà Tần, nhiều người lập cát cứ nổi lên chống Tần, Lưu Bang lúc đó không phải là thế lực mạnh nhất, nhưng Trương Lương biết rõ Lưu Bang có chân mạng Đế Vương nên đi theo phò tá. Kết quả Lưu Bang dù yếu thế hơn Sở Bá Vương Hạng Võ nhưng vẫn giành thắng lợi, lên ngôi Hoàng Đế.

Nhiều người nói rằng Lưu Bang lên ngôi là nhờ có quân sư Trương Lương phò giúp, nhưng giả sử như Trương Lương theo giúp người khác thì sẽ không thành được, vì người khác không có chân mạng Đế Vương.

Nhà tiên tri thiên tài là Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh vào thời loạn lạc, khi làm quan cho nhà Mạc, thấy nhiều quan lại cường quyền bức hại dân chúng, ông đã làm sớ dâng vua xin trị tội 18 kẻ nịnh thần, chém đầu làm gương. Thế nhưng nhà Vua chỉ mải thú vui bên các lời xu nịnh mà không nghe lời ông. Ông biết nhà Mạc đã mạt, thời thế loạn lạc, không có ai đáng để theo phò giúp nên về quê ở ẩn.

Người xưa đã đúc kết lại rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, mệnh trời khó cãi”. (theo Trần Hưng)

Phan Tất Đại chuyển tiếp

CÁI CHẾT BI THẢM CỦA

TÔ ĐÁT KỶ

Mổ bụng xem thai, chặt chân xem xương, moi tim coi có 7 ngăn…

Nhắc đến mỹ nhân Trung Quốc, mọi người đều nhớ đến “Tứ đại mỹ nhân” như biểu tượng của cái đẹp. Thế nhưng ít ai biết rằng, xinh đẹp không thua kém “Tứ đại mỹ nhân” còn có “Tứ đại yêu cơ” – bốn yêu nữ biến thành mỹ nhân làm thay đổi lịch sử : Đát Kỷ, Muội Hỷ, Ly Cơ, Bao Tự. Tuy nhiên, vì là yêu nữ gây nhiều tội ác nên họ không được người đời ca tụng giống như “Tứ đại mỹ nhân”!

Đát Kỷ là yêu nữ xinh đẹp nổi tiếng nhất trong “tứ đại yêu cơ”, đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao bộ phim điện ảnh Trung Hoa. Tương truyền Đát Kỷ là nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng được người đời thêu dệt thành một nhân vật yêu ma đầy bí ẩn.

Nhiệm vụ của Hồ ly tinh

Câu chuyện xảy ra vào đời Thương. Lần ấy Trụ Vương đi miếu Nữ Oa, vì quá mê mẩn trước sắc đẹp của bà mà đã nói những lời bất kính. Nữ Oa nổi giận, bèn phái Hồ ly tinh mê hoặc Trụ Vương, giúp Chu Vũ Vương phạt Trụ cứu dân.

Khi đó, con gái của Ký Châu Hồng Tô Hộ, tên Tô Đát Kỷ xinh đẹp mỹ miều, được mệnh danh “Hồng nhan họa thủy”, không thua kém gì Tứ đại mỹ nhân. Trong “Phong thần diễn nghĩa” còn ghi lại, Đát kỷ đàn ca khiêu vũ hết sức giỏi giang; 16 tuổi, tựa bông hoa rực rỡ đẹp tuyệt trần, mắt nàng long lanh như sương mai, nước da hồng hào, mũi cao thẳng, miệng hoa nhỏ, đôi môi thắm, dáng đi uyển chuyển, giọng nói trong trẻo… Biết Tô Đát kỷ là người được đem dâng cho Trụ Vương, Hồ ly tinh bèn giết chết Đát Kỷ, rồi nhập vào xác của cô, mê hoặc Trụ Vương.

Đát Kỷ – Trụ Vương

Kể từ ngày có Đát Kỷ, Trụ Vương càng đam mê tửu sắc. Để lấy lòng mỹ nhân, Trụ Vương đã làm vô số điều thất đức, hại dân, hại quân thần trung tín, gây nên sự sụp đổ tất yêu của nhà Thương.

Tương truyền, trong cung Trụ có 1 nơi dành riêng cho thú vui của vua Trụ. Vua Trụ, Đát Kỷ cùng các mỹ nhân thường xuyên vui chơi truy lạc tại đây. Họ ra lệnh dùng roi đánh khắp người các con vật thật đau, để hằn lên vết đỏ, rướm máu, rồi mang nướng lên để thưởng thức, đem thịt treo thành rừng, gọi là nhục lâm. Nơi này được thiết kế với những hồ nhỏ, vua Trụ cho đổ rượu vào đầy hồ, gọi là tửu trì, rồi cùng Đắc Kỷ và các mỹ nhân xuống tắm rượu.

Có lần Đát Kỷ bất hòa với thân thuộc của vua là Tỷ Can, bắt ông này phải moi tim ra. Một vị quan giỏi xem tinh tượng, bói toán cũng vì bất hòa mà bị bà cho cột lưng vào cột nung đỏ, cháy cả lưng. Trụ Vương còn cho xây cung “Lộc Đài” vuông mỗi bên 3 dặm, cao ngàn thước, quy mô lớn chưa từng thấy, phải dùng đến hàng vạn thợ xây, xây 7 năm mới xong.

“Bào lạc” lại là 1 phát minh của Đát Kỷ, Trụ Vương. Đó là 1 ống đồng dài, khi sử dụng mang ống đồng nhét đầy than đỏ bắc ngang qua hố lửa, bắt tội nhân cởi hết quần áo giày dép ra và chạy từ đầu này sang đầu kia của ống đồng. Quan thần trong triều bấy giờ bị tàn sát vô tội vạ…

Sự hiếu kỳ của Tô Đát Kỷ

Những câu chuyện về Đát Kỷ nhiều vô kể, nhưng có lẽ câu chuyện làm người đời “rùng mình” nhất chính về sự hiếu kỳ của nàng. Sự hiếu kỳ của một mỹ nhân đã thật đáng sợ, sự hiếu kỳ của một hồ ly tinh lại càng khiến người ta khiếp đản!

Chuyện kể rằng, một lần trụ Vương cùng Đát Kỷ đi dạo, thấy cảnh một cụ già và một em bé đi trong mưa tuyết, cụ già thì khỏe mạnh, còn em bé run rẩy vì lạnh. Tô Đát Kỷ cảm thấy thật hiếu kỳ. Không lẽ cụ già sinh ra lúc cha mẹ còn trẻ nên ống chân có tủy, đứa trẻ kia sinh ra lúc cha mẹ già yếu nên ống chân không có tủy  Nghĩ vậy, Đát Kỷ bèn sai người chặt chân cụ già và em bé ra xem rồi cười ha hả!

Lại có một lần, Tô Đát Kỷ cùng các cung nữ ra ngoài ngắm cảnh, thấy môt người phụ nữ mang thai đi qua. Tô Đát Kỷ thầm nghĩ : Thật là kỳ quái, tại sao đứa trẻ lại có thể lớn lên trong bụng như vậy ? Nghĩ vậy bèn sai quân lính mổ bụng người mẹ ra xem. Sự hiếu kỳ của Tô Đát Kỷ một lúc đã cướp đi sinh mạng hai mẹ con !

Trong triều có Tỷ Can là vị đại thần vô cùng giỏi giang, học vấn uyên thâm, là một trụ cột của nước Thương lúc bấy giờ. Tô Đát Kỷ cảm thấy vô cùng kỳ lạ, ông ta học nhiều như vậy, kiến thức cất ở đâu cho hết ? Lại nghe câu “Thánh nhân chi tâm hữu thất khiếu” (Trái tim người tài có bảy ngăn). Đát Kỷ bèn hạ lệnh moi tim ông ra để xem liệu tim Tỷ Can thật có bảy ngăn hay không !

Kết cục của Tô Đát Kỷ

Về sau, Chu Vũ Vương được sự phò tá của Khương Tử Nha đã đánh đổ nhà Thương. Trụ Vương mất nước bèn mặc áo dát ngọc leo lên “Lộc Đài” tự châm lửa thiêu. Đát Kỷ cũng tự thắt cổ chết.

Cũng kể từ đó, trong dân gian “Đát Kỷ” trở thành thành ngữ nói về sắc đẹp của “hồ ly tinh”, hay những nữ nhân có sắc đẹp làm mê muội nam nhân có quyền lực, từ đó dẫn đến những việc làm vô đạo.

Xuân Mai chuyển tiếp