CHUYỆN XÃ HỘI (11)

RƯỢU RẺ TIỀN VÀ

RƯỢU KHOM LƯNG

Năm 2001, nhà nghiên cứu Frederic Brochet của Đại học Bordeaux thực hiện hai cuộc khảo sát về rượu và có kết quả thu được khá buồn cười.

Đầu tiên Brochet lấy cùng một thứ rượu Bordeaux đỏ đổ nó vào hai chai khác nhau, một chai trang trí màu mè như bất cứ loại rượu “sang” nào khác, trong khi chai kia chỉ là một chai trần trụi, thứ rượu bình dân rẻ tiền. Kết quả từ các vị khách thưởng lãm khác nhau một trời một vực. Chai “sang” được khen tấm tắc với “vị rượu dễ chịu, đậm mùi gỗ, vị phức tạp, cân bằng và êm dịu”, còn chai “bình dân” thì bị cho là “nhạt, êm dịu nhưng không thơm, không đủ chua, không hoàn hảo”.

Tổng cộng có 40 khách thưởng lãm cho rằng chai rượu có nhãn “sang” đáng uống, đáng thưởng thức, trong khi chỉ có 12 vị khách cho rằng chai “bình dân” ngon.

Sau đó Brochet đề nghị 54 thiện nguyện viên đánh giá 2 cốc rượu đỏ. Thực chất đây là rượu trắng đã được “nhuộm” đỏ bởi màu của thức ăn. Nhưng các thiện nguyện viên tham gia cuộc khảo sát này đã diễn tả sắc “đỏ” đấy theo thứ ngôn ngữ đặc trưng dành cho rượu chát đỏ. Một người ca ngợi vị “ngọt hoa quả” của thứ rượu đỏ, trong khi một “chuyên gia” khác lại thưởng thức nó và trầm trồ “choáng ngợp bởi vị của một thứ quả đỏ”. Không một ai để ý rằng nó thực ra là một chai rượu trắng.

Brochet kết luận : “Đó là một hiện tượng tâm lý khá phổ biến – quí vị nếm thứ quí vị muốn được nếm. Họ mong được thử rượu đỏ và họ đã làm đúng như thế. Những gì họ ghi nhận, thực ra chỉ là một dạng kết quả hỗn hợp của các ý nghĩ, ảo tưởng và vị giác “.

Có thể nói rằng ai cũng muốn làm dân phong lưu lịch lãm , do đó muốn nếm rượu phong lưu lịch lạm, mà đã nói đến phong cách này thì phải nói đến tiền : càng lắm tiền, càng dễ phong lưu. Do đó khi nếm rượu chúng ta dễ bị “mù” vì giá tiền : hễ thấy giá tiền cao là cảm thấy ngon !

Davis Wilson dẫn trang blog The Wine Economist, nói về một mánh lới nhỏ của ngành bán lẻ rượu chát. Khi mua rượu, không ai thích mua thứ rượu dỏm, rượu đáng vứt đi. Khai thác tâm lý này các tiệm rượu dồn những thứ rượu có nhãn hiệu kém nhất xuống các kệ dưới, gần sàn nhà, lên cao dần là các nhãn hiệu bậc trung, bậc cao.

Mà thiên hạ càng tiêu thụ sản phẩm rẻ tiền, chủ tiệm càng ít lời. Và khi làm như vậy, họ bắt những kẻ mua rượu rẻ tiền phải khom lưng xuống : loại ít tiền thì phải chịu khom lưng, phải chịu hạ mình xuống.

Rõ ràng trên đời này không ai muốn tự hạ thấp mình. Khi mua một ly rượu để uống, không ai muốn thiên hạ đánh giá mình là “hạng người uống rượu 5 xu”. Khi đến tiệm mua một vài chai rượu, không ai muốn bị đánh giá là “đi mua rượu mà phải khom lưng xuống”.

Và đó là cái cách mà những tiệm rươu sắp xếp kệ hàng. Theo họ thì hoạt động thể chất trong việc lấy chai rượu, thể hiện chọn lựa tâm lý mà chúng ta đưa ra : với lên cao để lấy các chai rượu đắt tiền hay hạ mình xuống như một kẻ bần tiện để nếm rượu vứt đi.

Nguyên tắc này được áp dụng tại cả những siêu thị lớn lẫn những tiệm tạp hóa rẻ tiền với những biến thể khác nhau. Các nhà bán lẻ đã áp dụng nguyên tắc “khu vực tiện thể về già cả” (wine price comfort zone) tương ứng với từng kệ hàng . Họ không xếp các chai rượu theo vị (ngọt hay chát), theo xuất xứ (Pháp, Ý hay Bồ Đào Nha..) mà trộn lẫn với nhau theo giá tiền.

Giống như khẩu hiệu : “vô sản thế giới liên hiệp lại”, rượu rẻ tiền thì bị tống hết xuống dưới, càng rẻ tiền thì càng bị vùi xuống tận đáy của cửa tiệm, bất kể xuất xứ và phân loại. Kệ này giá rượu từ 3 dô đến 5 đô, kệ trên từ 6 đô đến 8 đô…

“Tiền nào của đó” nhưng có khi đó là “của nào, người đó”. The Wine Economist nhận định  :”Rõ ràng, khách hàng muốn mua một thứ thể diện, mua hình ảnh của một người không hạ mình uống ly rượu 5 xu mà có khi anh ta không thể nói lên sự khác biệt”.

Yên Huỳnh chuyển tiếp

BÀ LÃO BÁN RAU LỌT

VÀO TOP 100 NHÂN VẬT

ẢNH HƯỞNG NHẤT THẾ GIỚI

Cùng nhóm với cựu Tổng Thống Mỹ Barack Obama

Ai mà ngờ được người phụ nữ châu Á thấp bé từng lọt vào danh sách “100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới” cùng với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barack Obama… lại là một bà lão bán rau.

Nhìn bề ngoài, bà Trần Thụ Cúc chỉ là một bà lão bán rau chăm chỉ và cần kiệm. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong người phụ nữ hiền lành ấy là một trái tim nhân hậu với tấm lòng hảo tâm bao la như trời biển. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trong suốt mấy chục năm qua, bà vẫn dành dụm được hơn 10 triệu Đài tệ (tương đương 7,6 tỷ đồng) để dùng vào các hoạt động từ thiện.

Có lẽ chẳng ai ngờ rằng sẽ có ngày một bà lão bán rau kham khổ lại có cơ hội sánh vai với những nhân vật nổi tiếng và đầy uy quyền trên thế giới, như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông chủ hãng Apple Steve Jobs, hay “bà hoàng truyền thông” Oprah Winfrey… để lên bục nhận giải thưởng “100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010” do tạp chí TIME bình chọn. Bà Trần Thụ Cúc xếp thứ 8 trong nhóm “anh hùng”. Cũng trong năm đó, bà còn vinh dự là 1 trong 48 người lọt vào danh sách “những nhà từ thiện kiệt xuất” của tạp chí Forbers châu Á.

Bà Trần Thụ Cúc sinh năm 1951, trong một gia đình nghèo khó với 8 nhân khẩu ở huyện Đài Đông, Đài Loan, Trung Quốc. Mọi chi phí sinh hoạt của họ đều phụ thuộc cả vào sạp rau ngoài chợ của bố – người đàn ông trụ cột trong nhà.

Năm 12 tuổi, khi vừa tốt nghiệp Tiểu học, bà Thụ Cúc đã phải trải qua một trong những biến cố lớn nhất cuộc đời khi mẹ của bà đột ngột qua đời vì khó sinh, đưa theo cả cô con gái xấu số còn chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời. Khó khăn chồng chất, bà Thụ Cúc buộc phải nghỉ học để ở nhà phụ bố bán hàng, kiếm tiền nuôi các anh em của mình ăn học.

Ngày qua ngày, bà kiên trì thức giấc từ lúc 4 giờ sáng rồi nhanh chóng đến chợ rau, bận rộn buôn bán mãi tới 9 giờ tối mới dọn hàng. Chớp mắt một cái, mấy chục năm đã trôi qua và bà vẫn miệt mài tích cóp từng đồng tiền lẻ từ sạp rau “gia truyền” của mình. Bắt đầu từ năm 2003, khi dịch SARS hoành hành, khu chợ rau của bà phải tiến hành khử trùng định kỳ hàng tháng, khiến bà buộc phải “nghỉ phép” 12 ngày/năm, cộng thêm ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, còn lại hầu như chẳng lúc nào bà nghỉ bán hàng.

Năm 1969, em trai thứ 3 của bà Trần Thụ Cúc qua đời sau một cơn bạo bệnh. Tuy là con gái, nhưng bà không hề nề hà công việc nặng nhọc và luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ để các anh trai, em gái và em trai của mình được ăn học đàng hoàng.

Mải miết gánh vác trọng trách nuôi sống và chăm lo cho các thành viên trong gia đình, bà Thụ Cúc chẳng có thời gian tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.Thêm vào đó, nỗi đau bị phụ bạc khi còn xuân thì khiến cho bà mất hết niềm tin vào tình yêu, và cho đến nay bà vẫn sống độc thân.

Năm 2003, sau cái chết liên tiếp của bố và em trai thứ 2, bà Thụ Cúc trở nên chán nản và cảm thấy bất mãn với cuộc đời. Bà chẳng biết làm gì ngoài chuyện lao vào làm việc kiếm tiền để quên đi mối căm hận số phận nghiệt ngã. Mãi tới sau này, khi quy y cửa Phật ở đền Hải Sơn, huyện Đài Đông, bà Thụ Cúc mới dần buông bỏ thái độ hận thù cuộc đời và không ngừng làm thật nhiều việc thiện, bởi bà cho rằng : “Tiền, phải đưa cho đúng người cần dùng thì mới có tác dụng.”

Suốt bao năm qua, bà Thụ Cúc chăm chỉ làm lụng, dành dụm từng đồng bạc lẻ. Mặc dù đã mua được một căn nhà nhỏ, nhưng cuộc sống của bà vẫn rất khó khăn, sinh hoạt phí mỗi ngày chưa tới 100 Đài tệ (tương đương 76 nghìn đồng). Bà chỉ dám ăn no 1 bữa trưa hàng ngày với thực đơn là mì gói hoặc cơm hộp. Tuy nhiên, không phải do sạp rau của bà ế ẩm khiến bà không kiếm được tiền, mà bởi vì có bao nhiêu của cải, bà đều dành hết vào việc từ thiện.

Năm 1993, bà Thụ Cúc quyên góp 100 nghìn Đài tệ (tương đương 760 triệu đồng) cho ngôi trường Phổ Quang. Năm 1997, bà tiếp tục hiến tặng 100 nghìn Đài tệ cho trường Tiểu học Nhân Ái (ngôi trường mà bà từng theo học) để làm học bổng cho những học sinh nghèo. Năm 2005, bà lại quyên 4,5 triệu Đài tệ (tương đương 3,4 tỷ đồng) cho trường cũ xây dựng thư viện…

Tính đến nay, bà Thụ Cúc đã dành ra tổng cộng hơn 10 triệu Đài tệ (tương đương 7,6 tỷ đồng) cho các hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, bà còn nhận đỡ đầu cho 3 đứa trẻ mồ côi trong vùng với chi phí tối thiểu hàng tháng là 3.000 Đài tệ (tương đương 2,3 triệu đồng).

Bà không ngừng giúp đỡ trẻ em gia cảnh khó khăn có cơ hội cắp sách đến trường, giúp người nghèo được ăn no mặc ấm và được đi khám chữa bệnh đầy đủ, bởi theo bà thì: “Tôi chỉ có một mình, tiết kiệm nhiều tiền để cho ai?”

Những người quen biết bà Trần Thụ Cúc đều biết bà là một người nhân hậu, chẳng nề hà giúp đỡ người khác. Chính vì vậy, họ thường tới mua rau của bà mà không bao giờ mặc cả, thậm chí còn chẳng lấy lại tiền thừa.

Vào lúc tạp chí Forbers công bố tên bà Trần Thụ Cúc trong danh sách “những nhà từ thiện kiệt xuất”, bà vẫn đang mãi bán rau ngoài chợ như mọi ngày. Tới khi các hãng truyền thông đến truyền đạt thông tin bất ngờ, phản ứng đầu tiên của bà lão tốt bụng là : “Tôi chẳng biết đó là cái giải thưởng gì, mấy người đừng nói bừa, tôi làm gì có nhiều tiền để mà quyên góp cơ chứ !”

Mặc dù chẳng bao giờ nhận bản thân là một người hào phóng, cũng chẳng hề tỏ ra tự hào vì những việc mình đã làm, nhưng bà Thụ Cúc luôn được người đời yêu mến, kính trọng.

Bà Thụ Cúc hết sức bất ngờ khi nhận được giấy mời đến Mỹ lĩnh giải thưởng lớn của tạp chí TIME. Thế nhưng vì sức khỏe yếu, lại thêm căn bệnh viêm mô tế bào chân và chưa từng rời khỏi Đài Loan lần nào khiến bà không hề muốn đi đến bên kia bán cầu.

Biết chuyện, ông Mã Anh Cửu – cựu lãnh đạo Đài Loan – lập tức gọi điện thoại chúc mừng, đồng thời động viên bà Thụ Cúc đến New York. Ông ca ngợi bà là “đại sứ từ thiện” và hết lời khích lệ bà: “Những việc thiện của bà khiến cho cả thế giới phải nhìn vào Đài Loan, vì vậy, bà hãy đến Mỹ nhận giải, để giúp Đài Loan toả sáng!”.

Không những vậy, ông Mã còn giúp bà Thụ Cúc chuẩn bị trang phục đi lĩnh thường và chỉ thị cho các cơ quan chức năng lập tức thu xếp mọi thứ để bà có thể đến Mỹ một cách thuận lợi. Kết quả là hộ chiếu của bà Thụ Cúc được làm xong trong vòng 1 tiếng đồng hồ, còn visa cũng được cấp vào nửa tiếng sau đó.

Hôm được mời đến gặp ông Mã Anh Cửu, bà lão bán rau ăn mặc rất gọn gàng, thậm chí còn đến tiệm cắt tóc sửa sang lại mái tóc có phần bù xù của mình, bởi bà cho rằng việc ăn mặc tươm tất chính là cách để bày tỏ lòng tôn kính đối với nhà lãnh đạo Đài Loan.

Khi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới truyền thông, bà Thụ Cúc tỏ ra rất ngại ngùng.Bà thậm chí còn oán trách người đã tiết lộ những việc bà đã làm nên mới ra nông nỗi này.

Buổi chiều ngày 2/5/2010, bà Trần Thụ Cúc đáp chuyến bay đến Đài Bắc để chuẩn bị lên đường đi New York dự buổi tiệc trao giải diễn ra vào tối ngày 4/5. Tuy vậy, sáng sớm ngày 2/5 bà vẫn ra chợ rau Đài Đông để tưới rau và thu dọn sạch sẽ sạp hàng của mình.

Buổi tối ngày 3/5, bà hạ cánh an toàn ở New York và trú ngụ tại một khách sạn 5 sao sang trọng. Thế nhưng, suốt đêm hôm đó bà không hề chợp mắt, bởi không quen nằm trên chiếc giường đệm êm ái, mà chỉ nhớ nhung chiếc giường đơn sơ được làm từ một tấm gỗ cứng ở nhà mình.

Trước khi buổi lễ trao giải chính thức bắt đầu, bà Thụ Cúc được đưa đi làm đầu với đủ mọi kiểu mẫu tóc. Nhưng đến cuối cùng, bà lựa chọn buộc gọn tóc phía sau lại như mọi ngày vì : “Để như vậy thoải mái hơn.”

Người phụ nữ nhân hậu chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ bà đã được chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ nghèo nên rất muốn giúp đỡ chúng. Bà cho rằng việc mình làm không có gì đáng ca ngợi, và bà làm vậy chỉ bởi vì cảm thấy rất vui sướng khi giúp được người khác : “Mỗi khi giúp được ai đó thì buổi tối hôm ấy tôi ngủ rất ngon.”

Tuy chỉ sở hữu chiều cao 1,39m cùng dáng người nhỏ nhắn, thế nhưng bà lão bán rau Trần Thụ Cúc đã làm được những điều vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Có lẽ bà chính là minh chứng hùng hồn nhất cho câu nói : “Cho dù bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”. (theo Đình Đình)

Phan Tất Đại chuyển tiếp

NGƯỜI KHÔN NGOAN

THƯỜNG LÀM TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

Để có sức khỏe tốt, bạn đương nhiên phải rèn luyện những thói quen tốt. Biết cách nghỉ ngơi vào buổi tối sẽ giúp bạn có một ngày vui sảng khoái vào hôm sau.

1/. Chải và massage da đầu bằng ngón tay :  Da đầu có rất nhiều rễ thần kinh. Dùng ngón tay massage da đầu có thể nhẹ nhàng kích thích các rễ thần kinh này, làm tăng cường chức năng tư duy của vỏ đại não. Chưa kể các mạch máu trên da đầu sẽ bị kích thích, giúp cải thiện quá trình tuần hoàn máu, làm lợi cho quá trình phát triển của tóc, giúp phòng tránh hiện tượng tóc bạc. Chải và massage da đầu còn có tác dụng thông kinh hoạt lạc, giúp phòng trị các chứng bệnh như suy nhuợc thần kinh, đau đầu, mất ngủ, hay quên…

Bạn dùng 10 ngón tay chải đầu và xoa bóp từ chân mày, trán đến đỉnh đầu, sau đó chải xuống sau gáy, lần lượt chải từ trán sang hai bên tai, ra phía sau. Các ngón tay xoa bóp với một lực vừa phải, dễ chịu, làm đến khi thấy đầu nóng ran hoặc ngứa thì dừng lại tùy ý. Lặp lại khoảng 30 lần vào mỗi tối.

2/. Uống 1 ly sữa ấm : Khoảng 30 phút trước khi đi ngủ, bạn hãy uống một ly sữa ấm khoảng 30°C. Uống sữa vào ban đêm sẽ giúp bạn hấp thu tối đa protein casein, rất tốt cho sức khỏe. Sữa giàu canxi, giúp tăng cường hệ xương khỏe mạnh và đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần để hồi phục và sản sinh năng lượng cho ngày mới. Uống sữa trước khi ngủ còn giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn vì nó cho phép cơ thể bạn thư giãn tối đa. Sữa cũng chứa nhiều các axit amin, giúp dập tắt cơn thèm ăn đêm, đảm bảo bạn sẽ duy trì được cân nặng như mong muốn.

3/. Đọc sách : Hãy luôn có một quyển sách “gối đầu giường” bạn nhé. Đọc sách giúp bạn dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ, đồng thời bạn còn tích lũy được nhiều kiến thức rất hữu ích nữa đấy. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nói rằng nếu bạn đọc một cuốn sách điện tử thay vì sách giấy, tốc độ đọc của bạn có thể giảm đến 30%.

4/. Tắt đèn, tắt nhạc, tắt tivi : Nhiều gia đình có thói quen để đèn ngủ hay hẹn giờ xem tivi nhưng chính hành động này lại khiến bạn khó ngủ hơn bởi ánh sáng, âm thanh, hình ảnh chính là những yếu tố kích thích giác quan, thu hút sự chú ý khiến bạn trằn trọc, khó chịu.

Ngày nay, chúng ta nhận được quá ít ánh sáng vào ban ngày nhưng lại quá nhiều vào ban đêm (từ laptop, smartphone, tivi…) khiến nhịp sinh học không thể làm hết chức năng của nó. Ít có ai ngủ hoàn tòan trong phòng ngủ tối, và ánh sáng đèn điện vào ban đêm là nguyên nhân góp phần gây ra các căn bệnh phổ biến trong thời đại hiện nay như béo phì, sỏi thận, ung thư và trầm cảm. Do đó, hãy tắt hết đèn đóm và thiết bị không cần thiết để ngủ cho tròn giấc bạn nhé.

Phan Tất Đại chuyển tiếp

9 LOẠI THUỐC VÀ THỰC PHẨM

KHÔNG NÊN DÙNG CHUNG

Tất cả chúng ta đều biết rằng việc sử dụng thuốc phải đúng theo chỉ định, cả về liều lượng, phác đồ điều trị lẫn chế độ ăn uống trong quá trình điều trị. Nhưng không phải ai cũng được nhắc nhở về những thực phẩm không nên sử dụng khi dùng một loại thuốc cụ thể nào đó. Mỗi loại thuốc lại có những thực phẩm hỗ trợ tác dụng hoặc phản ứng riêng khác nhau.

Trên trang Bright Side đã biên soạn danh sách : ‘9 loại thuốc và thực phẩm không nên hoặc trong một số trường hợp không được dùng chung cùng nhau nếu không muốn ảnh hưởng đến sức khỏe”. Mời các bạn cùng tham khảo !

1/- Thuốc co thắt phế quản (trị hen suyễn, viêm phế quản và bệnh về phổi)

– Thuốc: theophylline, albuterol (thuốc chỉ định dùng cho bệnh nhân hen, viêm phế quản và các bệnh phổi khác).

– Hạn chế: thực phẩm và đồ uống chứa caffeine.

Cả hai loại thuốc trên đều có tác dụng kích thích hệ thần kinh, vì vậy để tránh làm tăng sự lo lắng và hồi hộp quá mức, bạn không nên sử dụng thực phẩm, đồ uống chứa caffeine trong suốt quá trình điều trị. Đặc biệt cẩn thận với thuốc theophyline, vì caffeine sẽ làm tăng độc tính của nó. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế sử dụng các thức ăn chứa chất béo, bởi nó làm tăng khả năng sản sinh ra theophylline, có thể gây ra quá liều trong lúc dùng thuốc.

2/- Thuốc hạ huyết áp (điều trị và phòng ngừa rối loạn chức năng tim và thận)

Thuốc: captopril, enalapril, ramipril (được chỉ định điều trị và phòng ngừa rối loạn chức năng tim và thận).

– Hạn chế: thức ăn giàu kali.

Khi dùng các loại thuốc captoprill, enalapril, ramipril nên hạn chế thức ăn giàu kali. Vì nhóm thuốc này làm tăng lượng kali trong máu, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim và khó thở. Đó là lý do tại sao bạn không nên ăn chuối, khoai tây, đậu nành, rau bina và các thực phẩm giàu kali khác trong thời gian sử dụng thuốc.

3/- Thuốc chống rối loạn nhịp tim (điều trị và phòng ngừa suy tim)

Thuốc: digoxin (được chỉ định để điều trị và phòng ngừa suy tim)

– Hạn chế: cam thảo.

Khi sử dụng thuốc digoxin bạn cần hạn chế sử dụng cam thảo. Vì loại thảo dược này chứa axit glycyrrhizic, khi tương tác với digoxin có thể gây ra rối loạn nhịp tim hoặc thậm chí ngừng tim. Chất này có trong kẹo ngọt, bánh, mứt và cả bia.

Bên cạnh đó, các loại chất xơ dùng ăn kiêng cũng làm giảm hiệu quả của thuốc. Tốt nhất nên uống cách 2 tiếng trước hoặc sau bữa ăn. Các loại thảo mộc như cây hòe cũng làm giảm tác động của digoxin.

4/- Thuốc hạ thấp mức cholesterol “xấu” (điều trị bệnh béo phì, tiểu đường và rối loạn tim mạch)

– Thuốc: atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, simvastatin, rosuvastatin, pravastatin.

– Hạn chế: bưởi

Bưởi gây ra sự gia tăng quá mức hấp thu thuốc của cơ thể, làm tăng nguy cơ quá liều và các phản ứng phụ. Khi uống một viên thuốc loại này với một ly nước ép bưởi, tương đương với việc uống 20 viên thuốc này bằng nước thông thường. Bên cạnh đó, các loại trái cây có múi khác như chanh dây, pomelo (trái cây có lớp da vàng dày giống như bưởi) cũng có tác dụng xấu tương tự nên cần hạn chế.

5/- Thuốc làm loãng máu (điều trị và ngăn ngừa đông máu)

Thuốc: warfarin (được chỉ định để điều trị và ngăn ngừa đông máu).

– Hạn chế: thực phẩm làm loãng máu và thực phẩm giàu vitamin K.

Trong khi dùng thuốc warfarin để điều trị ngăn ngừa máu đông, bạn nên hạn chế sử dụng nham lê, tỏi, gừng và một số loại gia vị nhất định (hạt tiêu, quế và nghệ). Những thực phẩm này làm giảm lượng máu và khi kết hợp với thuốc warfarin có thể gây ra chảy máu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế sử dụng thực phẩm chứa vitamin K vì nó làm giảm tác dụng của thuốc. Do vậy, đừng quên hạn chế ăn rau bina, củ cải, bắp cải và bông cải xanh.

6/- Thuốc chống suy giảm hormone tuyến giáp (điều trị hypothyreosis – giảm chức năng tuyến giáp)

– Thuốc: levothyroxine (được chỉ định dùng cho hypothyreosis – giảm chức năng tuyến giáp).

– Hạn chế: đậu nành, hạt dẻ và chất xơ.

Người dùng thuốc levothyroxine và các chất tương tự (Euthyrox, bagothyrox, L-thyroxine) nên hạn chế hấp thu đậu nành và các thực phẩm chế biến từ đậu nành, vì thực phẩm này sẽ ngăn chặn, giảm tác dụng của thuốc. Bên cạnh đó, hạt dẻ và thực phẩm giàu chất xơ cũng có những tác động tương tự.

7/- Thuốc kháng sinh (điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn)

– Thuốc: tetracycline (và các thuốc khác của dòng này), ciprofloxacin, penicillin.

– Hạn chế: sản phẩm từ sữa.

Các loại thuốc kháng khuẩn (hay còn gọi là kháng sinh) trên tạo thành hợp chất khó bài tiết khi kết hợp với canxi có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Điều này dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc.

8/- Thuốc giảm đau (điều trị các chứng viêm, đau cơ và nhức đầu)

– Thuốc: ibuprofen (được chỉ định để điều trị các chứng viêm, đau cơ và nhức đầu).

– Hạn chế: nước ngọt và đồ uống có đường.

Ibuprofen (còn gọi là Advil, Genpril, Proprinal) không tương thích với đồ uống có đường. Cacbon dioxit và axit trong thức uống có ga làm tăng khả năng hấp thu thuốc và tăng nồng độ thuốc trong máu. Do đó, vừa không thể kiểm soát liều lượng, vừa làm độc tính của thuốc tăng lên gây hại cho thận.

9/- Thuốc chống trầm cảm (điều trị trầm cảm kéo dài)

Thuốc: tất cả các loại thuốc ức chế MAO (tranylcypromin, phenelzine, nialamide).

– Hạn chế: thực phẩm giàu chất tyramine.

Hạn chế sử dụng thuốc chống trầm cảm (tranylcypromine, phenelzine, nialamide) có chứa chất ức chế monoamine oxidase tương tác với tyramine. Khi tương tác với tyramine, chất này có thể gây tăng huyết áp nghiêm trọng. Tyramine là một axit amin được hình thành trong quá trình tiêu thụ thực phẩm giàu protein có nhiều trong pho mát, thịt hoặc cá khô, xúc xích khô, thịt hộp hoặc cá hộp.

Điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng một loại thuốc nào đó, ngay cả đối với loại thuốc tưởng chừng như vô hại. Cơ thể mỗi người là duy nhất nên cần có những chỉ dẫn y tế riêng.

Yên Huỳnh chuyển tiếp